Nổi bật
Triều Tiên hôm 6/6 bất ngờ đề nghị đàm phán với Hàn Quốc về nhiều vấn đề, từ việc mở cửa trở lại khu công nghiệp chung Kaesing cho tới việc nối lại tour du lịch từ Hàn Quốc tới vùng núi Kumgang của Triều Tiên.
Triều Tiên còn đề nghị tiến hành các sự kiện chung kỷ niệm ngày ký Tuyên bố chung liên Triều 15/6 và Tuyên bố chung 4/7 về việc tái thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên với sự hiện diện của chính quyền hai bên.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cho hay, nội dung các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên còn có thể bao gồm những vấn đề về nhân đạo, bao gồm việc nối lại các cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh.
Khu công nghiệp chung Kaesong. (Ảnh: News)
Tuyên bố chung ngày 15/6/2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, đã dẫn tới giai đoạn 2 bên nối lại quan hệ hữu nghị, hợp tác quy mô lớn, thúc đẩy quan hệ kinh tế.
Những đề xuất trên được CHDCND Triều Tiên bất ngờ đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng căng thẳng nhiều tháng nay, và lên tới đỉnh điểm trong hai tháng 4, 5 vừa qua.
Tuy không nói rõ các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra ở cấp nào giữa hai nước, nhưng thông báo của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên có nêu, địa điểm, thời gian có thể chọn sao cho thuận lợi cho Hàn Quốc.
Giới phân tích cho rằng, động thái bất ngờ của Triều Tiên đã đánh dấu một bước đột phá trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, sau khi mối quan hệ này đã bị suy giảm xuống một mức đáy mới trong năm 2013 này.
Tuy nhiên, một vài nhà phân tích vẫn cho rằng cần phải thận trọng trước động thái mới này, đồng thời nhận định rằng, tính chất cùng nội dung thực sự của cuộc đối thoại có thể tạo nên những khúc mắc khó tránh khỏi.
Cũng trong ngày 6/6, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định, nước này có quan điểm rất tích cực trước đề nghị đối thoại của Triều Tiên và Seoul hy vọng hai bên có thể xây dựng được tin tưởng thông qua cơ hội này.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae kêu gọi đối thoại cấp bộ trưởng vào 12/6 ở Seoul, đồng thời hối thúc Triều Tiên từ ngày 7/6 mở lại các kênh liên lạc đã bị cắt đứt, phục vụ thảo luận cấp chuyên viên.
Tin vắn
- Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc họp thượng đỉnh song phương tại Sunnylands, California, diễn ra vào ngày mai (7/6).
- Cộng đồng người Hồi giáo ở Anh kêu gọi nhà chức trách áp dụng các biện pháp bảo vệ những người theo đạo Hồi khỏi các đòn trả thù sau vụ binh sỹ Lee Rigby bị giết.
- Theo BBC, quân nổi dậy Syria đã chiếm cửa khẩu Quneitra gần cao nguyên Golan thuộc ranh giới ngừng bắn giữa Israel với Syria, sau khi đụng độ cùng quân đội Syria.
- Nhật Bản bác đề xuất của lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu về việc tiến hành một cuộc đối thoại ba bên Trung - Nhật - Đài liên quan tới quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
- Nhà máy đóng tàu Admiralty (Nga) đã tiến hành thử nghiệm thành công tàu ngầm đóng cho Việt Nam, và sẽ bàn giao hai chiếc đầu tiên cho Việt Nam trong năm 2013.
- Lãnh đạo đảng đối lập ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã thẳng thắn tuyên bố sẽ tham gia tranh cử tổng thống nước này trong cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2015.
- Lo lắng kẻ thù trà trộn vào tài khoản mạng xã hội của binh lính, Lực lượng Quốc phòng của Israel (IDF) không cho phép các sĩ quan cao cấp được sử dụng Facebook.
- Bất chấp việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã xin lỗi và kêu gọi chấm dứt biểu tình, ngày 6/6, hàng nghìn người dân vẫn tụ tập, đòi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức.
- Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/6 cho biết, hải quân nước này sẽ triển khai khoảng 10 tàu chiến đến Địa Trung Hải để bảo vệ lợi ích quốc gia trong và ngoài vùng biển này.
Tin ảnh
Ngày càng có nhiều lao động trẻ em ở Dải Gaza. (Ảnh: THX)
Phát ngôn
Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Joe Yun hy vọng, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sớm khởi động các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC).
“Tôi nghĩ là đôi bên có thể đã có sự đồng thuận rằng một ngày trong tương lai, có thể là trong năm nay, hai bên sẽ tuyên bố chính thức khởi động các cuộc đàm phán về COC”, ông nói.
Kỷ niệm
Ngày 7/6/2006, Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq, đã bị giết chết trong một vụ không kích của Không lực Mỹ.
Sau cuộc chiến Iraq 2003, Abu Musab al-Zarqawi là gương mặt hắc ám nhất với Mỹ. Mỹ từng treo giá 25 triệu USD cho người tìm ra al-Zarqawi.
Thanh Vân (tổng hợp)