Một ngày sau khi xuất hiện vô số chỉ trích về vai trò của Facebook trong việc lan truyền những thông tin giả mạo về các ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc rằng các tin tức về bầu cử trên News Feed được dàn xếp nghiêng về ủng hộ Donald Trump.
"Cá nhân tôi cho rằng, ý tưởng về việc các tin tức giả mạo trên Facebook, vốn chiếm một lượng nội dung rất nhỏ, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử theo cách nào đó, có vẻ hơi điên rồ. Các cử tri luôn đưa ra quyết định dựa vào chính kinh nghiệm sống của họ", Mark Zuckerberg nhấn mạnh tại một hội nghị về công nghệ do công ty truyền thông Technonomy tổ chức.
Theo CEO Facebook, những người tỏ ra sốc trước chiến thắng của ông Trump nhiều khả năng đã đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ.
Ông Zuckerberg nói, một lí do khiến các tin tức giả mạo không thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử lãnh đạo Nhà Trắng vừa qua là trên mạng xuất hiện đồng đều các bài báo thiếu chính xác về cả 2 ứng cử viên đối địch Donald Trump và Hillary Clinton. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của kênh BuzzFeed hồi đầu năm nay phát hiện, những hãng tin cánh hữu hàng đầu trên Facebook đăng tải tới 38% các bài viết giả mạo hoặc có nội dung gây hiểu lầm, trong khi tỉ lệ này ở các hãng tin cánh tả hàng đầu trên Facebook chỉ là 20%.
Phóng viên David Kirkpatrick của trang Technonomy đã nêu câu hỏi về việc liệu Facebook có tạo ra "bong bóng bộ lọc", một cơ chế đặc biệt khiến những người ủng hộ bà Clinton chỉ nhìn thấy các lượt xem từ những người cũng ủng hộ nữ ứng viên này, trong khi những người ủng hộ ông Trump cũng chỉ nhìn thấy lượt xem của các bạn "cùng chiến tuyến" hay không.
"Tất cả các nghiên cứu chúng tôi có đều cho thấy đây không phải là vấn đề trong thực tế", CEO Facebook trả lời. Ông Zuckerberg dẫn chứng bằng một nghiên cứu đối với 10,1 triệu người dùng Facebook có tham gia đảng phái chính trị mà Facebook đã cho đăng tải trên tạp chí Science hồi năm ngoái. Nghiên cứu này phát hiện, những người theo đường lối dân chủ hoặc bảo thủ sẽ chỉ nhìn thấy tin tức về phe đối địch ít hơn không đầy 1% so nếu Facebook không tác động đến News Feed.
Theo ông Zuckerberg, nghiên cứu đã chỉ ra một sự thật không thể chối cãi là, mọi người đơn giản ít có xu hướng kích vào đọc các bài báo dường như đi ngược lại các quan niệm trước đó của họ. "Tôi nghĩ, chúng ta sẽ ngạc nhiên trước việc nhiều thứ không tuân theo thế giới quan của bản thân và chúng ta tự động thanh lọc chúng. Tôi không biết phải làm gì với điều đó", ông Zuckerberg nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Zeynep Tufekci và một số chuyên gia khác đã chỉ ra một số lỗ hổng trong nghiên cứu của Facebook. Theo họ, nghiên cứu không được tiến hành trên mẫu ngẫu nhiên, mà là "một lượng nhỏ người dùng Facebook thiên lệch, tự nhận mình thuộc về một đảng phái chính trị nào đó trên Facebook và thường xuyên truy cập vào mạng xã hội này, chiếm khoảng 4% tổng dân số có thể sử dụng cho nghiên cứu". Ngoài ra, vì các dữ liệu của Facebook mang tính riêng tư nên rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi đối với các nhà nghiên cứu khác để tiến hành thêm nghiên cứu độc lập về vấn đề.
Ông chủ Facebook quả quyết, bản thân rất quan tâm đến các tác động tiềm tàng của Facebook đối với nền dân chủ. Ông tiết lộ, mạng xã hội này đang nỗ lực để cải thiện cách truyền tải tin tức trong tương lai.
Tuấn Anh (Theo The Verge)