Mới đây, ZTE - hãng sản xuất và cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc thông báo cho các nhà đầu tư rằng họ dự kiến sẽ phải chịu khoản lỗ ròng trị giá từ 7 đến 9 tỷ nhân dân tệ, tương đương từ 1,05 đến 1,34 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.
ZTE cho biết khoản lỗ ròng có nguyên nhân chính từ các khoản tiền phạt nặng nề mà ZTE đã phải trả cho chính phủ Mỹ để Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu linh kiện cũng như các khoản tiền ký quỹ nếu ZTE tiếp tục vi phạm. Ngoài ra, việc bị ngưng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong vòng mấy tháng qua cũng là một nguyên nhân tạo ra khoản lỗ ròng này.
Được biết, ZTE đạt lợi nhuận 2,3 tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm trước.
Sau một loạt khoản tiền phạt, ZTE vừa công bố khoản lỗ ròng trị giá từ 7 đến 9 tỷ nhân dân tệ, tương đương từ 1,05 đến 1,34 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. |
Những thiệt hại của ZTE sau khi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ
Vào đầu tháng 3/2017, ZTE bị Mỹ phạt 900 triệu USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ tại Iran. Trong vụ việc này, ZTE bị cáo buộc vi phạm về hạn chế buôn bán hàng hóa và kiểm soát xuất khẩu. Trong suốt thời gian từ năm 2010 đến đầu năm 2016, ZTE đã bán phần cứng và phần mềm do các công ty công nghệ tại Mỹ chế tạo cho nhà mạng viễn thông lớn nhất ở Iran. Ngoài ra, ZTE còn phải trả mức phạt 300 triệu USD được treo trong 7 năm nếu ZTE không tuân thủ quyết định của phía Mỹ.
Chuyện không dừng lại ở đó khi mà tròn 1 năm sau khi bị phạt 900 triệu USD, trong tháng 3 vừa qua, Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty công nghệ trong nước bán linh kiện, công nghệ cho ZTE trong khoảng thời gian 7 năm. Và để Mỹ xóa bỏ lệnh cấm này, ZTE sẽ phải nộp cho chính phủ Mỹ khoản tiền phạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, 1 tỷ USD vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và số tiền còn lại để bảo lãnh cho trường hợp tái vi phạm trong tương lai.
Chỉ vài tháng sau lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực, ZTE chính thức thông báo các hoạt động kinh doanh chính của hãng này đã bị ngừng lại. Hậu quả là, theo ước tính, ZTE đã bị “bốc hơi” tiếp ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3,1 tỷ USD do lệnh cấm của Mỹ. Ngoài các thiệt hại do đối tác chấm dứt hợp đồng, sụt giảm doanh thu do dừng sản xuất kinh doanh, ZTE phải bỏ ra khoảng từ 80 triệu đến 100 triệu nhân dân tệ để duy trì các hoạt động hàng ngày trong khi phần lớn trong số 75.000 nhân viên của hãng phải “ngồi chơi”.
Liệu đây có phải là thiệt hại cuối cùng?
Câu chuyện về các khoản thiệt hại của ZTE có thể chưa đến hồi kết khi mà sau khi đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu từ chính quyền Mỹ, có thể tạm coi ZTE đã thoát cửa tử, tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, vấn đề lớn hơn của ZTE bây giờ là phải giải quyết hàng loạt khó khăn nội tại.
ZTE chỉ được phép tạm thời hoạt động trở lại |
Bởi lẽ, trước đó, lệnh cấm kéo dài hai tháng qua đã khiến ZTE lao đao khi các hoạt động kinh doanh chính bị đình trệ, trong đó, mảng smartphone có nguy cơ bị khai tử do không được phép sử dụng chip di động Qualcomm và hệ điều hành di động Google Android. Sự việc còn nghiêm trọng hơn khi ZTE dường như đã mất quyền truy cập vào một phần chuỗi cung ứng của mình tại Mỹ, bao gồm chip Snapdragon của Qualcomm và giấy phép cho phép cài đặt phiên bản Google Play Service của hệ điều hành Android nguồn mở. Đồng nghĩa với việc smartphone của ZTE sẽ không có các phần mềm quan trọng của Google, như Play Store hay Gmail.
Ngoài ra, giờ đây, ZTE sẽ phải kết nối lại với khách hàng. Điều này có nghĩa, ZTE đồng thời phải giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa về cách thức kinh doanh vốn đầy rẫy cáo buộc hối lộ, thổi giá và vi phạm luật pháp nước sở tại.
Thêm vào đó, mặc dù đã được chính quyền của Tổng thống Trump cho phép khôi phục các hoạt động kinh doanh như trước đây nhưng theo lệnh này thì ZTE chỉ được phép tạm thời hoạt động trở lại trong khoảng thời gian từ ngày 2/7/2018 đến hết ngày 1/8/2018. Sau thời gian này, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra các quyết định về tương lai của ZTE. Tất nhiên là những quyết định này sẽ dựa trên thái độ sửa sai tiếp theo của ZTE.
Với những diễn biến này, tương lai của ZTE sẽ tiếp tục bị phụ thuộc vào chính phủ Mỹ và đương nhiên các thiệt hại tiếp theo rất có thể xảy ra.
Theo XHTT/Telecomlead
Mỹ và ZTE ký thỏa thuận quỹ 400 triệu USD để gỡ bỏ cấm vận
Ngày 11/7, giới chức Mỹ cho biết nước này đã ký một thỏa thuận với ZTE để mở đường cho hãng công nghệ Trung Quốc tiếp tục hoạt động sau gần ba tháng bị cấm kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ.
ZTE trả giá đắt, Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng cho công ty Trung Quốc
Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu người dùng cho công ty Trung Quốc; ZTE trả giá đắt để Mỹ xoá bỏ lệnh cấm; Apple ra mắt iOS 12,... là những tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần qua.
ZTE được Mỹ cứu nhưng với cái giá đắt không tưởng
ZTE sẽ phải trả khoản tiền phạt 1 tỷ USD, cộng thêm 400 triệu USD tiền bảo lãnh không vi phạm trong tương lai nếu muốn chính phủ Mỹ xóa bỏ lệnh cấm.