Theo báo cáo của cơ sở nghiên cứu thị trường Newzoo, thị trường game Đông Nam Á có tổng doanh thu khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó nhóm “Big 6” gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và VN đã đóng 99% tổng doanh thu. Các phân tích tại Newzoo dự đoán rằng khu vực Đông Nam Á sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở mức 28,8%, và đến năm 2017 thì chi tiêu thị trường game sẽ đạt 2,2 tỷ USD.
Sự lên ngôi của mobile Internet cũng mở đường cho sự xâm nhập của một xu hướng mới, giống như cách làm của Garena (Singapore) khi bước chân vào Việt Nam năm 2014: phát triển mạng Beetalk – phần mềm chat kiêm mạng xã hội có kèm game nhập vai. Để đối chọi với sự xâm nhập của một ông lớn nước ngoài, Việt Nam hiện chỉ có cái tên VNG – với hậu thuẫn là OTT thuần Việt có nhiều người dùng nhất và kinh nghiệm kinh doanh game online lâu năm.
Thực tế, cùng với game mobile, Zalo dần trở thành mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, khi các phân khúc khác đã bắt đầu đi vào giai đoạn tăng trưởng chậm. Dù ban đầu phát triển từ các dòng game nhập vai cho PC, nhưng lãnh đạo của VNG sớm nhận ra rằng, các dịch vụ trên nền mobile sẽ sớm thắng thế mảng kinh doanh trên PC và online, nhờ tốc độ tăng trưởng tới gần 90% trong suốt giai đoạn 2013-2017.
Tháng 7/2014, trong một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường World Startup Report, chỉ có 2 công ty ở Đông Nam Á đạt mức định giá 1 tỷ USD, là VNG và Garena của Singapore. Lý do mà VNG vẫn đạt mốc 1 tỷ USD dù lợi nhuận của công ty mẹ năm 2013 sụt giảm 75% so với năm 2012 là bởi các chuyên gia của World Startup Report nhận thấy giá trị tương lai của công ty này được đảm bảo nhờ những sản phẩm mới. Khi đó, Zalo, ứng dụng OTT do VNG phát triển, mới bước qua năm thứ 2 hoạt động trên nền mobile và sắp cán mốc 20 triệu người dùng.
Hai năm sau đó, Zalo đạt được những bước phát triển vượt bậc, vượt qua nhiều tên tuổi OTT lớn của thế giới như Wechat, Kakao Talk, Line… và cả Viber để trở thành ứng dụng nhắn tin di động miễn phí nhiều người dùng nhất Việt Nam. Những cột mốc mới được chinh phục: 40 triệu người dùng vào tháng 11/2015 và thêm nửa năm nữa để đạt con số 50 triệu.
Điều đáng chú ý là trong hai năm tài chính tiếp theo (2014 và 2015), mức lợi nhuận và doanh thu của VNG được giữ ổn định, dù thị trường game online có nhiều xáo trộn và OTT chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những tên tuổi được hậu thuẫn tài chính lớn. Doanh thu của công ty lúc này dao động trong khoảng 100 triệu USD, còn lợi nhuận tăng nhẹ so với mức gần 8,5 triệu USD của năm 2013, đạt tương ứng 9,1 triệu USD và 10,5 triệu USD.
Theo báo cáo của VNG, trong số 10,5 triệu USD lợi nhuận của VNG, 85% là đóng góp từ game online – mobille. Hiện tại, mức P/E trung bình của các công ty game đạt khoảng 7 lần, tương đương với mức định giá riêng mảng game online của VNG đạt khoảng gần 64 triệu USD.
Nếu giữ nguyên mức định giá toàn VNG trong báo cáo năm 2014 của World Startup Report, thì Zalo sẽ trở thành mảng miếng kinh doanh được định giá tốt nhất của công ty này, tương ứng hơn 900 triệu USD. Tuy nhiên, con số này sẽ không chính xác bởi khi định giá, Zalo mới chỉ ở dạng tiềm năng và đạt khoảng 20 triệu người dùng.
Hiện tại, khi đã đạt 50 triệu người dùng và chứng minh được khả năng trở thành nền tảng kinh doanh cho VNG trong tương lai cũng như khả năng sinh lời, định giá riêng cho nền tảng Zalo sẽ cao hơn. Tuy nhiên, con số là bao nhiêu thì chưa có một tổ chức định giá độc lập nào đánh giá lại sau khi OTT thuần Việt độc bá thị trường trong nước và đang có những bước tiến ra nước ngoài.