Sau khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện loạt bài tìm hiểu về tính pháp lý của Zalo Bank liên quan đến các hoạt động tín dụng, ngân hàng, mặc dù phía Zalo Bank hay Công ty chủ quản là Công ty cổ phần VNG không có phản hồi chính thức, nhưng có thể thấy Zalo Bank đã "âm thầm" được đổi tên.

Trong thông báo mới nhất gửi đến người dùng, Zalo Bank thừa nhận "tên gọi này có thể gây hiểu lầm" nên sẽ sử dụng tên gọi mới là Finance @ Zalo. Cũng theo thông báo trên, Zalo cho biết Bank (nay là Finance @ Zalo) là OA (Official Account - Tài khoản chính thức) hỗ trợ các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện chuyển đổi số và quảng cáo dịch vụ.

Tuy đã thông báo chính thức đổi tên, nhưng đến nay khi truy cập vào ứng dụng Zalo trên các thiết bị khác nhau, người dùng vẫn có thể quan sát thấy sự thiếu đồng bộ khi tính năng này thể hiện dưới biểu tượng một tòa nhà ngân hàng nhưng khi thì đi kèm với chữ Bank, khi lại là Finance. Thậm chí trên một số thiết bị, tính năng "Bank" còn hoàn toàn biến mất trong ứng dụng. Điều này khiến người dùng không khỏi hoài nghi về tính pháp lý và minh bạch của Zalo trong hoạt động này.

Zalo Bank đổi tên, thừa nhận có thể gây hiểu lầm - Ảnh 1.

Liên quan đến tên gọi Zalo Bank, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO cho biết: Theo Điều 5, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi năm 2017, thì tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ "tổ chức tín dụng", "ngân hàng", "công ty tài chính", "công ty cho thuê tài chính" hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh... nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng.

"Do đó, việc Zalo sử dụng tên Zalo Bank không chỉ gây hiểu nhầm cho người dùng, mà còn là hành vi vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng", Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Trao đổi xoay quanh việc hợp tác với Zalo Bank, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc khối Smart Credit của Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Shinhan) cho hay: "Ngân hàng Shinhan chính thức hợp tác với Zalo để triển khai dịch vụ Vay tiêu dùng thông minh trên ứng dụng Zalo vào ngày 2/5/2019. Sự hợp tác này giúp Ngân hàng Shinhan có thêm một kênh tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm vay tiêu dùng đến khách hàng thuận lợi hơn".

Tuy vậy, ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định, chỉ có Ngân hàng Shinhan là đơn vị thực hiện việc xét duyệt, thẩm định và thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các khách hàng đã biết đến và liên hệ với Ngân hàng Shinhan thông qua ứng dụng Zalo.

"Công ty cổ phần VNG đóng vai trò là đối tác giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của Ngân hàng Shinhan cũng như của tất cả các ngân hàng khác đến người sử dụng ứng dụng Zalo. Ngân hàng Shinhan và Công ty Cổ phần VNG đã ký Hợp đồng hợp tác quảng cáo giới thiệu dịch vụ", ông Hải nói rõ.

Như vậy, trong mối quan hệ giữa Zalo và Shinhan, Zalo chỉ đóng vai trò là đối tác quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đến người dùng. Nhưng trên thực tế, Zalo không chỉ thực hiện chức năng giới thiệu thông tin sản phẩm, dịch vụ mà còn làm thay một phần công việc của các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định hồ sơ bước đầu.

Để đăng kí hồ sơ vay tiền qua Zalo Bank, khách hàng sẽ phải nhập thông tin cá nhân như: số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú và mức thu nhập. Sau đó, Zalo sẽ trả về kết quả "thẩm định" xem khách hàng đủ điều kiện được đăng kí gói vay tín dụng trị giá bao nhiêu.

Đến đây, khách hàng sẽ đăng kí gói vay, lựa chọn số tiền và kỳ hạn vay. Tại bước 3 này, Zalo Bank sẽ chọn tổ chức tín dụng đáp ứng đủ điều kiện mà khách hàng đưa ra. Bước cuối cùng là nộp đơn vay. Zalo sẽ tự động nhắn tin khi khách hàng đủ điều kiện đăng ký khoản vay từ một tổ chức tín dụng nào đó và được yêu cầu tải ứng dụng của tổ chức tín dụng đó để được duyệt vay tự động.

Vấn đề đặt ra tại đây là việc thẩm định hồ sơ khách hàng như vậy có hợp pháp? Thông tin cá nhân của khách hàng nhập trên hệ thống Zalo có được chuyển đến đúng ngân hàng hay tổ chức tín dụng mà khách hàng cần vay vốn? Những dữ liệu đó liệu có nguy cơ bị rò rỉ hay cung cấp cho một bên thứ ba hay thứ tư nào đó nhằm mục đích khác hay không? Và trong trường hợp xảy ra rủi ro, tranh chấp, Zalo Bank có trách nhiệm thế nào?

Nhóm phóng viên đã nhiều lần liên hệ đến Zalo và cả Công ty cổ phần VNG (Công ty chủ quản của Zalo) để tìm hiểu rõ những vấn đề trên, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía doanh nghiệp này.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW, nếu Zalo sử dụng dữ liệu người dùng thu thập được trên mạng xã hội và cung cấp cho các tổ chức tín dụng để khai thác dữ liệu mà không thông báo cho người dùng là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm Luật An ninh mạng.

"Nếu Zalo chỉ được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực mạng xã hội thì việc ứng dụng khai thác thông tin cá nhân khách hàng và thẩm định hồ sơ như một bước của tổ chức tín dụng như vậy trong khi chưa được cấp phép hoạt động tín dụng, môi giới tín dụng là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ", Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định.

Mở rộng ra, không chỉ Zalo Bank (Finance @ Zalo) mà hiện nay các website hay ứng dụng (app) cho vay trực tuyến đang mọc lên "như nấm sau mưa" với nhiều hình thức cho vay khác nhau. Các ứng dụng hay website này có thể là kết nối người vay với tổ chức tín dụng hoặc kết nối giữa người có vốn nhàn rỗi với người cần vay (P2P Lending). Rất khó để người dùng có thể nhận diện hay phân biệt liệu các website hay app này có phải là một cái bẫy tín dụng đen với lãi suất cao cắt cổ cùng những chiêu thức thu hồi nợ theo kiểu "luật rừng" hay không.

Theo vtv.vn

Những dấu hỏi bủa vây Zalo Bank

Những dấu hỏi bủa vây Zalo Bank

Việc đặt tên là Zalo Bank, mời gọi vay, cho vay giống như ngân hàng đã đặt ra vấn đề pháp lý với hoạt động của mô hình này.