Trong đoạn video đăng tải ngày 24/4, Quỳnh Trần JP cho biết bàn chân gấu được mua trong một siêu thị tại Nhật. “Mở ra là nghe mùi hôi... Móng chân nhìn như móng mèo”, Quỳnh Trần nói trong khi camera hướng cận cảnh vào bàn chân gấu.
Phần còn lại của video quay cảnh Quỳnh Trần sơ chế rồi ăn chân gấu, nhận xét thịt ngoài "sừng sựt giống giò heo". Bên trái bàn ăn là đĩa kẹo hình hàm răng và mắt.
Đoạn video ăn bàn chân gấu của Quỳnh Trần JP nhận phản ứng trái chiều từ người dùng Internet. Có bình luận cho rằng đây là hành động không phù hợp do gấu là loài động vật cần bảo tồn.
Quỳnh Trần JP gây tranh cãi với video sơ chế và ăn chân gấu. Ảnh: Chụp màn hình. |
“Thật sự mình thấy thất vọng về cô, tội nghiệp chú gấu”, người dùng Hiền Nguyễn Hoàng Thanh bình luận. “Có ai vừa xem vừa nhăn mặt giống mình không, sợ quá chị Quỳnh ơi”, “Là kênh YouTube cho cộng đồng, có trẻ em xem mà lại review ăn chân gấu” là bình luận của một số tài khoản dưới video ăn chân gấu của Quỳnh Trần JP, hiện có hơn 2.800 lượt không thích.
Bên cạnh các bình luận phẫn nộ, luồng ý kiến khác cho rằng việc ăn chân gấu của Quỳnh Trần là bình thường tại Nhật do sản phẩm được bán hợp pháp trong siêu thị.
“Siêu thị Nhật bán thì mua ăn thôi”, tài khoản Lâm Mỹ Diệu nhận xét. Một số bình luận nêu quan điểm ăn chân gấu tại Nhật là bình thường, tuy nhiên đa số khán giả của Quỳnh Trần đến từ Việt Nam, có trẻ em nên hình ảnh ăn chân gấu, mâm kẹo hình răng, não và mắt là không phù hợp.
Trong video, Quỳnh Trần cũng nói đây là món được bán trong siêu thị nên có thể mua và ăn. “Ở Nhật mà nhập và bán như vậy thì có thể ăn được, không săn bắt hay phạm luật”, cô cho biết.
Đoạn video câu cá mập con, có cảnh máu me của Quỳnh Trần đăng ngày 21/4 cũng gây tranh cãi. Ảnh: Chụp màn hình. |
Quỳnh Trần JP (sinh năm 1985) là YouTuber người Việt đang sinh sống tại Nhật với hơn 3 triệu người theo dõi. Các video làm về ẩm thực của cô thu hút người xem bởi nói lối chuyện gần gũi, tự nhiên và hài hước.
Trong các video của Quỳnh Trần còn xuất hiện bé Sa - con trai của cô - được nhiều người yêu quý. Loạt khoảnh khắc như Sa ngủ gật, Sa mệt mỏi vì phải chào đi chào lại "cô chú anh chị" trên mạng... trở thành chủ đề cho loạt ảnh chế (meme) hài hước.
Đây không phải lần đầu nội dung của Quỳnh Trần JP gây tranh cãi. Trong đoạn video đăng ngày 21/4, YouTuber với hơn 3 triệu lượt theo dõi quay cảnh câu cá mập con trên thuyền. Dù giải thích đánh bắt cá mập là hành động bình thường tại Nhật, đoạn video vẫn gây tranh cãi.
Bên cạnh ý kiến cho rằng Quỳnh Trần cố tình làm video giết động vật để câu view, một số bình luận cho rằng hình ảnh máu me của con cá không bị cắt hoặc làm mờ có thể ảnh hưởng đến người xem là trẻ nhỏ.
Chính sách YouTube quy định cấm đăng tải video nội dung:
- Nội dung có hành động cố ý gây hại hoặc gây đau khổ không cần thiết khiến động vật bị hoảng loạn.
- Nội dung có cảnh con người khuyến khích hoặc ép buộc động vật tấn công nhau. Video quay cảnh chọi chó, đá gà hoặc các video khác có cảnh những người đứng xem ép buộc động vật tấn công nhau.
- Nội dung không mang tính giáo dục, tính tư liệu, tính khoa học hay tính nghệ thuật, trong đó có những cảnh gây đau đớn không cần thiết.
- Video quay cảnh đấu bò có hình ảnh bò bị tổn thương (chẳng hạn như cảnh bò bị kiếm đâm).
- Video quay cảnh săn bắn bằng các phương thức phi pháp như dùng bom hoặc chất độc.
(Theo Zing)
Thêm nhiều YouTuber vướng lao lý vì video nghịch dại
Câu view bất chấp hậu quả, không ít YouTuber trên thế giới đã phải trả giá bằng chính những năm tháng trong tù, nhưng điều đó không khiến những người làm nội dung khác dừng lại.