Hàng chục video về các phương pháp chữa ung thư chưa được kiểm chứng trên YouTube đã bị phát hiện. Với hàng triệu lượt xem, chúng còn chèn quảng cáo để kiếm tiền.
Trang tin BBC đã tìm kiếm 10 phiên bản ngôn ngữ YouTube gồm tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Ả-Rập, tiếng Ba Tư, tiếng Hindi, tiếng Đức, tiếng Ukraina, tiếng Pháp và tiếng Ý về các video có nội dung trên.
Sau khi tìm kiếm, hơn 80 video giới thiệu cách chữa ung thư giả được tìm thấy. Có 10 video đạt hơn một triệu lượt xem, 47 video chèn quảng cáo để kiếm tiền. Một số quảng cáo đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Heinz, Grammarly, Clinique, Booking.com, kể cả phim Hollywood.
Khawla Aissane cho rằng sữa lừa có thể ngăn chặn tế bào ung thư trong một video bằng tiếng Ả-Rập trên YouTube. Ảnh chụp màn hình. |
Những "phương pháp chữa ung thư" được giới thiệu thường liên quan đến việc tiêu thụ các chất cụ thể như bột nghệ hoặc baking soda. Chế độ chỉ uống nước trái cây hoặc ăn chay cực độ cũng khá phổ biến. Một số video còn chỉ cách uống sữa lừa, nước sôi. Không có nghiên cứu nào chứng minh tất cả chúng có thể chữa ung thư.
Hồi tháng Một, YouTube tuyên bố sẽ chặn video có "nội dung sai lệch, gây hiểu lầm theo hướng tiêu cực".
Tuy nhiên chính sách chỉ đang áp dụng với các video tiếng Anh. Khi tìm kiếm với từ khóa "chữa ung thư" trong phiên bản tiếng Nga, video giới thiệu phương pháp sử dụng baking soda nằm ở những trang đầu tiên. Nếu vào xem, thuật toán của YouTube sẽ gợi ý các video chữa bệnh bằng nước ép cà rốt hoặc ăn chay cực độ. Một số chúng có thể gián tiếp gây hại cho bệnh nhân.
Nhiều YouTuber người Brazil như Elizeu Correia cho rằng ăn các loại thực vật như trà đắng có thể chữa ung thư. Ảnh chụp màn hình. |
Khi được thông báo, các nhãn hàng như Heinz và Grammarly đã ngừng quảng cáo trên các kênh có liên quan. YouTube cũng tắt kiếm tiền 70 video có nội dung tương tự.
Tuy nhiên theo McAweeney từ hãng nghiên cứu Data & Society, việc chặn kiếm tiền không có nhiều ý nghĩa.
"Có nhiều động lực phía sau việc truyền bá thông tin sai lệch. Bên cạnh tiền, lượt xem cũng là mục tiêu chúng quan tâm", McAweeney chia sẻ.
Tatyana Efimova đã xóa video giới thiệu cách chữa ung thư bằng baking soda. Ảnh chụp màn hình. |
Tatyana Efimova - YouTuber người Nga đăng video dạy chữa ung thư bằng baking soda, nói rõ trong video rằng bà không phải bác sĩ. Khi được hỏi, bà cho biết mình chỉ chia sẻ lại câu chuyện từ người quen, chấp nhận xóa video ngay sau đó.
Elizeu Correia - một YouTuber người Brazil, cho biết video chữa ung thư bằng trà đắng của ông "không gây hại gì", sau đó chỉnh video về chế độ riêng tư.
Đại diện YouTube từ chối bình luận vụ việc, chỉ cho biết: "Ngăn chặn video sai lệch thông tin là thách thức lớn. Chúng tôi đã có vài giải pháp như hiển thị thông tin xác thực về các video sức khỏe, xóa quảng cáo khỏi video tuyên truyền thông tin giả".
"Tuy chưa hoàn hảo, thuật toán của chúng tôi đang hoạt động nhằm hướng người dùng đến các thông tin chính thống. Chúng tôi sẽ liên tục cải thiện thuật toán trong thời gian tới", người này khẳng định.
Đây không phải lần đầu các video chứa thông tin sai lệch về sức khỏe xuất hiện và kiếm tiền từ YouTube. Hồi tháng 5, Business Insider đã tìm thấy hàng loạt video dạy cách chữa tự kỷ bằng MMS (dung dịch chất khoáng thần kỳ) chứa chất tẩy công nghiệp, thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.