Hình ảnh "đại ca" của Khá Bảnh trong một clip. Ảnh chụp màn hình

Thời gian gần đây, mạng chia sẻ video YouTube rầm rộ xuất hiện hàng loạt tài khoản có tên như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng, Phú Lê… với số lượng người theo dõi từ vài trăm nghìn cho tới hàng triệu.

Nội dung clip của những tài khoản nói trên tung lên mạng chỉ là hình ảnh các tay “anh chị” người xăm trổ vằn vện ăn nhậu, hút thuốc cùng vô số lời văng tục chửi bậy, thậm chí thách thức, dằn mặt đánh chém lẫn nhau kiểu giang hồ.

Thậm chí, đối tượng còn tiếp tay cho những hành vi phản cảm như đập phá, đốt xe máy để quảng bá cho một hãng xe điện trong nước.

Nhân vật Khá Bảnh

Mỗi clip của những nhân vật “giang hồ mạng” tung lên đều thu hút từ vài trăm nghìn cho tới hàng chục triệu lượt xem, đem lại nguồn thu khủng cho các nhân vật.

Như trường hợp Khá Bảnh, đích thân nhân vật này đã tung 2 clip khoe có tháng kiếm trăm triệu, có tháng tới 450 triệu đồng từ YouTube. Thậm chí còn livestream cùng đàn em đi xe hơi đến ngân hàng rút tiền.

Tương tự, nhân vật Dương Minh Tuyền mới đây cũng làm 1 clip khoe kiếm được 144 triệu đồng từ YouTube.

Bỗng chốc nổi như cồn trên cộng đồng mạng, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phú Lê hay Dũng Trọc… cũng được chào đón như những ngôi sao ngoài đời thực.

Mỗi khi những nhân vật này xuất hiện, hàng trăm con người chủ yếu là học sinh, thanh niên vây quanh hú hét, hào hứng xin chụp ảnh chung.

Đời sống giang hồ, xã hội đen với những góc khuất luôn gây ra sự tò mò với cộng đồng mạng và đó là lý do những kênh video của loạt tay “anh chị” luôn thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cũng như lượng lớn chia sẻ.

Thực tế đó đang khiến cho dư luận xã hội, nhất là các phụ huynh lo lắng con cái của họ dễ bị tiêm nhiễm bởi những thứ văn hóa lệch lạc, thích học đòi lối sống giang hồ, kiếm tiền từ hoạt động cho vay lãi, bảo kê quán karaoke…

Đêm ngày 1/4, nhân vật Khá Bảnh – “thần tượng” của vô số thanh thiếu niên, bất ngờ bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ để điều tra về hàng loạt tội danh như hủy hoại tài sản, tổ chức đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động tín dụng đen...

Liên quan đến vấn nạn “giang hồ mạng” tràn ngập trên YouTube, ICTnews đã đặt một số câu hỏi với bà Hà Lâm Tú Quỳnh, đại diện Google Châu Á - Thái Bình Dương cùng đại diện truyền thông của hãng công nghệ này tại Việt Nam xoay quanh các vấn đề: quan điểm của Google về các clip bẩn, bạo lực đang lộng hành tại Việt Nam? Tại sao Google cho phép các kênh YouTube “giang hồ mạng” kiếm tiền?

Nhưng trước các câu hỏi đặt ra, bà Hà Lâm Tú Quỳnh cũng như đại diện truyền thông của hãng công nghệ này tại Việt Nam hoàn toàn im lặng, né tránh trả lời.

“Việc Google để cho hàng loạt kênh YouTube dung tục, bạo lực của các “giang hồ mạng” mặc sức hoạt động và kiếm tiền đang cho thấy sự lỏng lẻo trong chính sách kiểm duyệt, sự tiếp tay, dung túng cho các tài khoản YouTube bẩn lan truyền để kiếm tiền từ quảng cáo của Google. Cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc để ngăn chặn mạng chia sẻ video này lộng hành, trở thành công cụ phát tán văn hóa đen gây hại cho thế hệ trẻ”, một chuyên gia giáo dục nói.

Theo nguồn tin của ICTnews, cơ quan chức năng đang có những động thái đầu tiên để làm việc với Google về vấn nạn này.