Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, nền tảng hệ thống giao thông thông minh (ITS) bắt đầu được nghe nói nhiều hơn tại Việt Nam, trong đó cơ bản nhất là hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC). Việc kết nối dữ liệu, phân chia phí tự động giữa các hệ thống phối hợp sẽ giúp cho người sử dụng phương tiện giao thông chỉ cần dán 1 thẻ điện tử lên xe của mình thì có thể lưu thông thuận tiện qua tất các trạm thu phí ETC trên toàn quốc.
Từ năm 2020, thị trường mới mẻ này tại Việt Nam xuất hiện nhà đầu tư thứ 2 sau đơn vị triển khai đầu tiên là VETC với dự án BOO1, là công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Viettel.
Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có chia sẻ về cơ sở giúp VDTC triển khai “thần tốc” dịch vụ thu phí không dừng.
Nền tảng giao thông thông minh là xu thế tất yếu
- Làm thế nào để phát triển hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transoprt System-ITS) ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, thưa ông?
Hiện nay, Tổng cục đường bộ Việt Nam đang mong muốn phối hợp với các DN, đặc biệt là doanh nghiệp CNTT mạnh trong nước để phát triển nền tảng ITS ở Việt Nam. Điều này nhằm mục đích làm chủ hệ thống ITS của Việt Nam. Trước đây, khi xây dựng ITS, chúng ta vẫn phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài, nên trong quá trình vận hành, bảo dưỡng, chúng ta không thể làm chủ được.
Vì vậy, Tổng cục đường bộ Việt Nam, cũng như Bộ Giao thông Vận tải, và cả định hướng của Chính phủ, các tập đoàn CNTT ở trong nước như Viettel, VNPT… cần tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống ITS ngay từ bước xây dựng quy hoạch, kiến trúc. Từ đó có thể xây dựng hệ thống tiêu chuẩn giao thông thông minh, cũng như xây dưng các dịch vụ trong các ITS để phục vụ người dân và DN.
- Theo ông, yếu tố nào đã đẩy nhanh việc triển khai trạm thu phí điện tử không dừng thời gian vừa qua?
Một trong những thành phần chính của giao thông thông minh là thu phí điện tử không dừng (ETC - Electronic Toll Collection) trên các tuyến đường cao tốc, cũng như hệ thống thanh toán điện tử cho các hệ thống giao thông khác, ví dụ như thanh toán cho vé tàu điện ngầm, vé xe bus hay các bãi đỗ xe…
Hiện tại VDTC là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng cho Bộ Giao thông Vận tải. Dịch vụ này đang được phát triển mạnh mẽ cho các trạm thu phí trên đường quốc lộ và một số trạm trên đường cao tốc. VDTC có thế mạnh của một tập đoàn CNTT mạnh, nên đã triển khai rất nhanh các trạm thu phí điện tử không dừng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và cung cấp đủ các dịch vụ theo nhu cầu của người dân và DN.
Về phía Tổng cục đường bộ Việt Nam, tôi hy vọng trong thời gian tới, VDTC tiếp tục phát huy thế mạnh để cung cấp các dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên các tuyến đường cao tốc; đồng thời kết hợp hệ thống thu phí điện tử không dừng này cho thanh toán điện tử trên các phương tiện giao thông như: triển khai thu phí điện tử không dừng cho các cảng hàng không, các trạm gửi xe…
Tôi cho rằng, VDTC cũng có thể xây dựng, kết hợp các đề án thu phí nội đô của Hà Nội và TP.HCM, kết nối hệ thống thanh toán điện tử của giao thông công cộng, như xe bus, tàu điện ngầm, đặc biệt ở 2 thành phố lớn như là Hà Nội và TP.HCM. Những mục tiêu trên nếu thực hiện được thì sẽ vừa tạo sự tiện lợi cho người dân trong thanh toán, vừa đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển chính phủ số, kinh tế số của Bộ Giao thông Vận tải, cũng như Chính phủ.
Triển khai “thần tốc” dịch vụ thu phí điện tử không dừng
- Ông nhận thấy sự thay đổi lớn nhất kể từ khi VDTC triển khai dịch vụ thu phí điện tử không dừng là gì?
Về phát triển thu phí điện tử không dừng, trước đây chúng ta cũng có một nhà cung cấp dịch vụ. Công ty này cũng đã phát triển được một số trạm thu phí đường bộ trên các hệ thống quốc lộ. Song, cũng vì chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ nên chưa tạo được sự cạnh tranh trong thu phí điện tử cũng như chưa đẩy nhanh quá trình phổ cập dịch vụ về trạm thu phí cũng như người sử dụng dịch vụ.
Bởi vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn thêm một nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng là VDTC. VDCT đã sử dụng các thế mạnh của riêng mình để triển khai nhanh chóng dịch vụ thu phí điện tử không dừng cho các trạm, 35 trạm trong khoảng chỉ 6 tháng. Điều này đã đảm bảo tiến độ hoạt động thu phí điện tử không dừng vào vận hành trước 31/12/2020.
Một lợi thế nữa mà VDTC có được là mạng lưới cung cấp dịch vụ trải rộng trên cả nước từ Tập đoàn Viettel. Nhờ đó, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng tăng rất nhanh chóng, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm đã đạt được số lượng khách hàng là 1 triệu.
Chúng tôi đánh giá tốc độ phát triển “thần tốc” này đã đáp ứng được sự kỳ vọng của Tổng cục đường bộ. Theo những đánh giá bước đầu, tôi cho rằng, VDTC đã cung cấp được dịch vụ thu phí điện tử không dừng rất thuận lợi cho cả người dân và DN. Việc phổ cập dịch vụ đến với các chủ phương tiện giúp cho giai đoạn phát triển mới của thu phí không dừng đến nhanh hơn, mục tiêu đạt mốc 90% phương tiện sử dụng ETC khi lưu thông qua trạm trong năm tới.
Minh Đạt (thực hiện)