Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng. Toàn huyện có 15 xã thuộc khu vực III và 121 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 98,59%. Dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với trên 90% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, cho biết hết năm 2023, theo kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều, hơn 55% số hộ gia đình (tương đương hơn 6.200 hộ) trong huyện thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41,8%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao như Hồng Trị (52,96%), Đình Phùng (53,47%), Phan Thanh (55,67%)...
Quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo theo hướng giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, Bảo Lạc xác định phải trao "cần câu" thông qua các mô hình sinh kế, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Bên cạnh đó, tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng rất quan trọng, coi đây là nền tảng để giảm nghèo bền vững. Để thực hiện điều đó, người dân nghèo cần "bà đỡ" là chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ.
Gia đình anh Chánh Văn Siu, xóm Cốc Mòn, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, vốn loanh quanh với mấy sào lúa không đủ ăn. Được tuyên truyền, gia đình anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề trong thời gian 5 năm.
Anh Siu cho biết nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Lạc, gia đình anh có điều kiện để chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hồi. Chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng mới áp dụng các quy trình kỹ thuật như làm đất, chọn giống, phân bón, chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học an toàn...
Hiện, gia đình trồng 7.000 cây hồi, dự định sẽ phát triển lên 8.000 - 9.000 cây hồi. Sau khi cây hồi thu hoạch sẽ cho nguồn thu nhập ổn định, giúp thoát nghèo bền vững.
Tại xã Hồng Trị, tới hết năm 2023, có tới 520/710 hộ dân ở đây thuộc diện nghèo và cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là gần 53%. Nhưng trong xã cũng có những điển hình vươn lên thoát nghèo, truyền cảm hứng và giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình khác.
Đó là anh Nông Văn Long, xóm Lũng Tiến. Anh Long là một trong những thanh niên đã khởi nghiệp nhờ vay vốn từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Anh cho biết đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng dâu nuôi tằm. Sau 1 năm, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó anh vay tiếp 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trồng thêm cây hồi, cây sở.
Mô hình kinh tế này tạo doanh thu cho gia đình anh Long 150 triệu đồng/năm. Đến nay, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình, anh tạo việc làm ổn định cho 5 hộ gia đình tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ "bà đỡ" là nguồn vốn vay ưu đãi, mô hình chưng cất dầu hồi của hộ gia đình anh Đặng Văn Hạn (ở xã Cốc Pàng) cũng tạo việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm bằng nguồn vốn huy động đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đa chiều. Người dân từ "đòn bẩy" này đã hăng say tạo năng suất và hiệu quả cao, đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây, con hiệu quả thấp sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Bảo Lạc hiện có 17 điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, thị trấn. Hàng tháng, đơn vị tổ chức 11 buổi giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác... Những tháng đầu năm 2024, Phòng Giao dịch giải ngân 322 dự án cho 17 xã, thị trấn với tổng số tiền khoảng 27,5 tỷ đồng.
Trong gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 25.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Bảo Lạc (Cao Bằng) được vay vốn với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Điều này đã góp phần tích cực duy trì, tạo việc làm mới cho trên 1.000 người lao động; hơn 880 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn vốn cũng hỗ trợ trên 1.500 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, đặc biệt đã giúp hàng ngàn hộ nghèo vượt ngưỡng nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của huyện cuối năm 2023 xuống còn 55,24%.