- “Những cảm xúc thuần khiết trong tình yêu ở thời hiện tại sẽ ít thấy ở đâu ngoài thế giới của teen. Tình yêu của teen có phần phức tạp, mong manh, nhưng cơ bản là đẹp đẽ”.
Một bà mẹ có cô con gái đã qua tuổi teen và cậu con trai đang bước vào tuổi teen chia sẻ như vậy trong câu chuyện về tình yêu của lứa tuổi ẩm ương này – thứ tình cảm mà nhiều ông bố bà mẹ khi hay tin con mình “trót sa vào” thì thường tức giận hoặc quy kết là “nhăng nhít”.
Chính vì thấu hiểu được sự quý giá của thứ cảm xúc thuần khiết hiếm hoi đó trong cuộc đời mỗi con người, nên chị đã có cơ hội được con gái chia sẻ những rung động đầu đời, bật mí về cậu bạn trai từng làm cô bé mất ăn mất ngủ, chểnh mảng học hành; và từ đó “cùng con đi qua tuổi teen” với rất nhiều… giảm sốc.
Thiết kế cho cuốn sách là cô con gái "ẩm ương" dạo nào của tác giả. Ảnh: Hà Linh |
Rủ rỉ, nhẩn nha, hơn 300 trang viết của chị cùng với một nhà tâm lý khác - được gom từ những câu chuyện phong phú trong đời sống – đã phác hoạ một diện mạo của thế giới tuổi teen hiện đại mà bất cứ phụ huynh nào cũng cần được biết tới.
Chẳng hạn, câu chuyện “tình thích” của cô bé lớp phó học tập tên Hương với cậu bạn trai tên Thắng được kể tỉ mỉ theo dòng tâm lý của cô bé. Những cảm xúc khắc khoải, thẫn thờ, ghen tuông và được hoá giải, rồi đi đến những cảm xúc đẹp đẽ được thuật sinh động và người đọc không khỏi đồng cảm với trạng thái tâm lý hiếm có đó.
Cho đến khi mẹ cô biết chuyện và “tổ chức họp gia đình” với không khí cực kỳ nghiêm trọng có mặt bà ngoại, bố. Ở đó, người mẹ ra sức kể lể công sức nuôi con ăn học và kết luận “con hư hỏng”, ông bố điềm tĩnh hơn thì bắt viết bản giải trình, còn bà ngoại thì khóc. Chỉ có cô bé lớp 8 bị trào dâng cảm xúc tội lỗi và hổ thẹn với quy kết yêu đương “nhăng nhít”….
Kể ra, đứng vào vai của cha mẹ thì tâm lý lo hãi không phải là không có cơ sở, khi mà thực tế đã xảy ra những điều đau lòng. Do đó, toàn bộ chương sách có tên “Bí mật 3T: Teen – Tình yêu – Tình dục” không chỉ đề cập tới sắc hồng, mà còn đặc tả, phân tích và cung cấp tới phụ huynh những tình huống, câu chuyện thực tế khác để mỗi người có thể soi chiếu, rút ra bài học cho mình.
Trong khi đó. phần 4 đề cập tới áp lực học hành là những vấn đề muôn thuở: kỳ vọng điểm số, thành tích tốt, nỗi lo hãi đối phó của trẻ, sự buồn bã, thất vọng, thậm chí giận dữ vì kỳ vọng bất thành của cha mẹ.
Ở chương này, sẽ rất thú vị khi bắt gặp những suy nghĩ thật lòng của các teen mà không phải lúc nào cũng dễ dàng thổ lộ trong gia đình.
Chẳng hạn như: “Con rất ghét môn toán. Nhưng khi con nói như vậy mẹ lại bảo con 'không bao giờ được ghét gì cả'. Chẳng lẽ con không được nói ghét một thứ mình ghét hay sao? Dù thế con cũng vẫn cố gắng nhưng con cần thời gian vì con không thể tiến bộ trong một ngày, một tuần được. Con muốn bố mẹ cho con có cơ hội được biết nhiều thứ trong cuộc sống thay vì chỉ học. Bố mẹ có thể cho con có thời gian chơi cùng bạn không?” Hay là: “Sức người chỉ có giới hạn nhưng kỳ vọng của cha mẹ dường như vô hạn”.
Ám ảnh hơn cả là câu chuyện về một cậu bé có người mẹ “không hề trách mắng con về điểm 7 nhưng con thể hiện sự dằn vặt, bỏ ăn, mất ngủ”. Nguyên nhân là tính cầu toàn của người mẹ: Từ việc nhỏ, ngay từ nhỏ đã tạo một áp lực tinh thần vô hình lên cậu con trai.
Còn biết bao áp lực, định kiến, nhãn dán lên các em; như cụm từ cửa miệng “con nhà người ta”, “hư đột xuất”, “gàn dở”…Một thế giới phong phú tâm trạng của teen và của cả các phụ huynh teen nữa, lần lượt được giải mã.
Chu Hồng Vân, một trong hai tác giả của cuốn sách đặc biệt nói trên là một nhà báo trong lĩnh vực giáo dục. Viết báo hơn 20 năm, cái “vốn riêng” ít nhà báo có là tốt nghiệp sư phạm khiến những bài viết của chị hay có được góc nhìn sâu sắc, gần gũi với nghề. Giờ đây, khi viết sách cho teen, “vốn riêng” của một phụ huynh “nhiều trong một”: nhà giáo, nhà báo, nhà biên kịch…. khiến những câu chuyện chị kể trở nên sinh động, đa chiều và rất “thấm”. Chị cũng không giấu giếm rằng mình đã dạy con bài học về sự thất bại từ chính mình như thế nào. Tác giả còn lại là Vũ Thu Hà, một nhà tâm lý giáo dục, sẽ bổ sung những câu chuyện từ phòng khám lâm sàng, từ kiến giải ở góc độ khoa học tâm lý.
Những câu chuyện ấm áp (và cả dữ dội) ấy sẽ được các tác giả chia sẻ chi tiết tại một không gian ấm cúng vào tối thứ 6 ngày 28/6 tới tại quán café sách của Nhã Nam ở Time City (Hà Nội).
|
Gấp lại cuốn sách “Cùng con đi qua tuổi teen”, đọng lại với người đọc là cảm giác dễ chịu, tin cậy và ấm áp. Nó cũng tựa như cảm giác của người viết về “hiện tượng giao mùa” của trẻ hay “sự ấm áp từ trái tim” của cha mẹ:
“Khi nào các cha, mẹ thấy dấu hiệu con mình thích làm ngược lại tất cả những điều người lớn yêu cầu, nhắc nhở thì đó là lúc con đang bước vào một giai đoạn nhạy cảm ở tuổi dậy thì, nó hệt như sự “giao mùa” của thời tiết. Tôi đã chia sẻ với nhiều phụ huynh và cả các bạn teen về hiện tượng “giao mùa” này. Thật thú vị khi trở thành người ở giữa để nghe tâm sự của hai bên. Bởi ở góc nhìn của tôi, những dấu hiệu của trẻ mà phụ huynh cho là sự ngang bướng, gàn dở, thì tôi lại thấy thấp thoáng sự đáng yêu. Còn những biểu hiện của phụ huynh khiến các teen thấy phiền toái, bực bội thì tôi lại cảm nhận được ở đó những nhịp đập âu lo và ấm áp của trái tim”.
Hạ Anh