1a.jpg
Đã đến lúc phải ứng dụng mạnh CNTT để quản lý xuất bản, đặc biệt là xuất bản điện tử.

Quản bằng giấy tờ

Chịu trách nhiệm quản lý 64 NXB, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp, gần 120 công ty phát hành sách tỉnh, TP; 85 công ty TNHH và mạng lưới hơn 14.000 các cửa hàng, nhà sách và đại lý ở khắp cả nước..., thế nhưng mọi hoạt động kết nối, trao đổi thông tin giữa Cục Xuất bản với đối tượng quản lý vẫn chủ yếu qua phương thức văn bản giấy tờ.

Riêng năm 2011, Cục Xuất bản phải xác nhận kế hoạch xuất bản cho hơn 55.988 cuốn sách, xác nhận 1.018 hồ sơ đăng ý danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu kinh doanh với 112.308 tên sách (số lượng tới 38.764.978 bản), cấp 30 giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh (gồm 4.432 tên sách với 6.987 bản). Khối lượng công việc lớn như vậy nhưng chủ yếu thông qua công văn giấy tờ, tốn chi phí và chậm trễ về thời gian xử lý.

Để có được thông tin về các cơ sở in, phát hành, cơ quan quản lý TƯ vẫn phải đôn đốc cơ quan quản lý địa phương rất nhiều lần mới nhận được văn bản cung cấp thông tin, số liệu cần biết. Số liệu thu được cũng chỉ mang tính tương đối vì nhiều khi các cơ sở đã thay đổi về nhân sự, địa chỉ… nhưng không cập nhật cho cơ quan quản lý biết. Rất nhiều công văn gửi đi của Cục Xuất bản đã bị bưu điện trả về vì sai địa chỉ…

Nguyên nhân chính của hiện trạng trên là hạ tầng CNTT –TT của Cục Xuất bản vẫn đang yếu kém dưới mức tối thiểu. “Cục Xuất bản có 45 cán bộ, nhân viên nhưng chỉ có 23 máy tính để bàn, trong đó chỉ 1/2 sử dụng được, nhiều máy tính chỉ để đánh văn bản bằng Microsoft Word. Vẫn còn tình trạng vài người sử dụng chung 1 máy”, ông Hoàng Hải Long, Chánh Văn phòng Cục Xuất bản chia sẻ.

Với hiện trạng hạ tầng CNTT như vậy nên hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý ở Cục Xuất bản chủ yếu là sử dụng máy tính cá nhân để làm việc, còn dữ liệu vẫn lưu trữ rời rạc, chưa kết nối thành hệ thống để khai thác và sử dụng như một nguồn tài nguyên dùng chung. Và việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử chưa thể thành hiện thực.

Lực bất tòng tâm

Trong khi Cục Xuất bản vẫn lúng túng ở bước khởi đầu Tin học hóa, thì trên thực tế, hoạt động xuất bản điện tử đang phát triển rất mạnh. Nhận thức rõ sự cần thiết phải ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản điện tử song Cục Xuất bản đành “lực bất tòng tâm”.

Bà Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng Phòng Quản lý xuất bản, minh chứng: Nhu cầu cập nhật thông tin của lĩnh vực xuất bản rất quan trọng nhưng hiện vẫn chưa có phần mềm phục vụ chuyên ngành xuất bản, thậm chí máy móc, thiết bị CNTT còn rất thiếu thốn. Vì sử dụng máy tính cũ đã lạc hậu, nhiều khi nhận được nội dung xuất bản phẩm điện tử (ví dụ như đĩa gửi kèm theo sách hoặc USB), cán bộ quản lý không thể đọc được nhằm kiểm soát nội dung. Trung bình mỗi năm Phòng Quản lý xuất bản phải xác nhận khoảng 55.000 tên sách từ 64 NXB và các đối tác liên kết nên rất khó kiểm soát được. Không ít trường hợp được nghe phản ánh về một cuốn sách vi phạm nhưng cán bộ chức năng phải tìm kiếm thủ công mất 1 - 2 ngày mới thấy tên sách để kiểm tra.

Mặt khác, Một trong những điều kiện quan trọng để quản lý được hoạt động xuất bản điện tử là phải có lưu chiểu điện tử. Thế nhưng, đến giờ Cục Xuất bản vẫn chưa xây dựng được một dự án riêng về lưu chiểu điện tử. Chưa kể, Cổng thông tin điện tử Cục Xuất bản (cucxuatban.gov.vn) hiện chưa được nhiều người biết đến vì cơ sở dữ liệu còn hạn chế, chủ yếu mới tích hợp phần mềm quản lý của các phòng chức năng, thông tin thiếu tính cập nhật.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT: Ngay trong năm 2012, Cục Xuất bản phải chuẩn bị đầu tư 2 dự án gồm dự án Cục Xuất bản điện tử (trang bị thêm máy tính, mạng LAN, máy chủ, máy scan chuyên nghiệp để phục vụ lưu chiểu điện tử) và dự án Cơ sở dữ liệu của ngành xuất bản - in - phát hành. “Đã đến lúc phải ứng dụng mạnh CNTT phục vụ công tác quản lý xuất bản, đặc biệt là xuất bản điện tử. Nếu có công cụ CNTT tốt thì có thể nhanh chóng tra ra các cuốn sách có vấn đề tiêu cực trên mạng”, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản khẳng định.

 
1a.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng

“Các ấn phẩm điện tử đang phổ biến trên mạng, có những ấn phẩm chỉ là điện tử hóa ấn phẩm giấy nhưng cũng có những ấn phẩm được đưa thẳng lên mạng Internet. Quản lý xuất bản điện tử đang là thách thức thực sự đối với hoạt động xuất bản. Dẫu sao thì công tác quản lý xuất bản điện tử là không thể né tránh được. Cần lưu ý, Cục Xuất bản có vai trò chính trị rất lớn. Bởi vậy, Cục Xuất bản cần sớm nâng cấp trang thiết bị đầu cuối, máy móc, phần mềm... để quản lý xuất bản điện tử".

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 30 ra ngày 9/3/2012