Sự phát triển mạnh mẽ của tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ hiện đại đang dần hình thành nên những đô thị thông minh với rất nhiều ưu điểm, lợi ích trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các đô thị thông minh thường là những thành phố lớn, phát triển, có mật độ dân số cao cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều đó cũng đặt ra những thách thức đối với lực lượng PCCC&CNCH trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn PCCC cho người dân và các công trình xây dựng.
Do đó, để đảm bảo an toàn PCCC đối với các đô thị thông minh, chính quyền và các cơ quan quản lý cần bắt tay vào hành động ngay từ giai đoạn thiết kế quy hoạch. Theo đó, các đô thị thông minh cần phải được bố trí, thiết kế khoa học, đảm bảo cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được nhu cầu khi các công trình được xây dựng.
Đơn cử như đường cho xe chữa cháy phải được đảm bảo, khoảng cách an toàn PCCC cùng với các hạ tầng công nghệ khác phục vụ cho công tác này.
Cùng với đó, cần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có độ phủ toàn bộ thành phố, nhờ vậy mới có thể đảm bảo thời gian di chuyển tới các khu vực xảy ra cháy nhanh nhất.
Tại các đô thị thông minh, cần tích hợp bản đồ vệ tinh định vị của thành phố với các thiết bị, công nghệ hiện đại. Trong đó, phải thể hiện rõ vị trí nguồn nước, vị trí công trình bị hỏa hoạn. Cùng với đó, bản đồ vệ tinh phải thể hiện được chiều rộng, chiều cao, giao thông quanh khu vực bị cháy để lực lượng PCCC có thể đưa ra phương án tiếp cận, chữa cháy nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Ngoài ra, đối với các đô thị thông minh, cần có một trung tâm chỉ huy để điều hành, giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác PCCC&CNCH, an ninh, giao thông, y tế để khi xảy ra hỏa hoạn, tất cả các lực lượng sẽ được huy động để ứng phó.
Việc xây dựng đô thị thông minh phải gắn với các công trình thông minh với hệ thống PCCC hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, vật liệu xây dựng tại các công trình là những vật liệu chống cháy, khó cháy để hạn chế tối đa nguy cơ cháy lan.
Hệ thống báo cháy tại các công trình cũng phải là hệ thống thông minh, được kết nối với đơn vị PCCC&CNCH trên địa bàn để khi xảy ra cháy, lực lượng PCCC cũng sẽ nhận được cảnh báo sớm.
Hệ thống thoát nạn của các tòa nhà phải đảm bảo cư dân có thể tự thoát ra được khi chưa có sự hỗ trợ của lực lượng PCCC, đơn cử như thang máy thoát hiểm bên ngoài, dây tự cứu, ống tụt…
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng thông minh gắn với các tòa nhà, đô thi thông minh cũng cần hệ thống chính quyền điện tử, giải quyết các thủ tục hành chính, cấp phép về PCCC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, có thể thực hiện trên môi trường mạng, liên kết với các ngành dọc…
Cùng với đó, cần phải đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có năng lực, trình độ để đáp ứng được các yêu cầu khi quản lý, vận hành các công trình và đô thị thông minh.