Đây là một trong những giải pháp được lựa chọn để giải quyết tình trạng hạn hán thiếu nước trầm trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tình hình hạn hán và tác động từ thượng nguồn Mê Kông

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam đang trong cơn hạn hán thiếu nước trầm trọng với 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000ha bị thiệt hại từ 30-70%. Hiện có 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong số 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã có 7 tỉnh bị xâm nhập mặn gây thiệt hại. Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 70% diện tích lúa gieo trồng bị thiệt hại và toàn tỉnh Bến Tre hiện chỉ còn 4 xã ở huyện Chợ Lách có nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

{keywords}

Người nông dân và cánh động khô nẻ ở ĐBSCL. Ảnh từ NhanDan.vn

Nguyên nhân của tình trạng đó chính là sự cạn kiệt của nguồn nước cấp bởi dòng sông Mê Kông, mà ĐBSCL nằm ở đoạn cuối và Trung Quốc chiếm cả phần đầu của dòng sông này.

Sông Mê Kông là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam và lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ ĐBSCL. Đây là nơi sinh sống của trên 65 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông.

{keywords}

Một trong nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ở Vân Nam (TQ), nguyên nhân suy kiệt nước ĐBSCL. Ảnh từ www.baogiaothong.vn.

Điều đáng lo lắng là lưu vực sông Mê Công có tiềm năng thuỷ điện rất lớn và tốc độ phát triển thủy điện ở khu vực này có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới. Theo số liệu nghiên cứu của các tổ chức thế giới (và cả Việt Nam), việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội trên lưu vực sông Mê Kông.

Và đến nay, tổng dung tích của các hồ chứa của các đập thủy điện riêng ở Vân Nam (TQ) đã lên tới trên 20 tỉ m3. Từ sự so sánh con số này với lưu lượng dòng chảy qua ĐBSCL (475 tỷ m3 hàng năm), có thể hiểu được rằng các hồ chứa nước của Trung Quốc đã và đang gây tác động rất lớn đến lưu lượng trên sông Mê Kông, là tác nhân dẫn đến tình trạng thiệt hại do xâm nhập mặn, sạt lở ở Châu thổ ĐBSCL.

Các giải pháp tình thế

Trước tình hình khẩn cấp nói trên, trong thời sáng ngày 3/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Tiếp theo, một cuộc “Hội nghị về công tác phòng chống xâm nhập mặn” tại TP.Cần Thơ diễn ra trong tuần đầu của tháng 3/2016, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương vùng ĐBSCL…  

Ở hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đưa ra đề nghị các địa phương huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ người dân chống hạn mặn.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra lời  cảnh báo: Từ đây đến cuối tháng 6 nhiệt độ có thể sẽ tăng cao hơn từ 1 - 1,5OC và lưu lượng nước trên sông Mê Kông thiếu hụt từ 20 - 30% và tiếp tục suy giảm. Triều có thể cao hơn 0,6m. Xâm nhập mặn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục lấn sâu vô từ 60 - 65km. Và ông đề xuất: Các địa phương vùng ĐBSCL cần khai thác nước ngầm cung cấp nước ngọt cho dân. Đồng thời, phải theo dõi chặt chẽ và vận hành hiệu quả các cống hiện có. Trước mắt, “cần đưa các dự án cấp bách vào các chương trình có nguồn tài trợ của nước ngoài để tranh thủ vốn đầu tư triển khai, đặc biệt chú trọng các dự án mang tính giải pháp cấp bách…” .

Và ý kiến của Bộ trưởng Cao Đức Phát: Các địa phương vùng ĐBSCL trước mắt cần tới 32.500 tỉ đồng để thực hiện những công trình ứng phó với Biến đổi Khí hậu (BĐKH). Ông nhấn mạnh, đây chỉ là những công trình cấp thiết nhất tầm trung hạn để ứng phó với BĐKH. Đề nghị Chính phủ bố trí 215 tỉ đồng để các địa phương khắc phục hậu quả thiệt hại vụ lúa Đông Xuân; bố trí 1.060 tỉ đồng để các địa phương triển khai ngay các công trình cấp bách nhất chống hạn mặn và 8.000 tỉ đồng cho các công trình tác động liên vùng.

Và giải pháp gốc rễ thuộc về Trung Quốc

Đặc biệt, ở tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Gửi công hàm yêu cầu phía Chính phủ CHND Trung Hoa xem xét điều tiết, xả bớt lượng nước tích trữ tại các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông thuộc tỉnh Vân Nam để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn cho ĐBSCL.

Ngay sau đó, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Ngoại giao tranh thủ sớm chuẩn bị nội dung công hàm để Thủ tướng phê chuẩn gửi Chính phủ CHND Trung Hoa. Đồng thời chỉ thị cho tiến hành liên hệ với các quốc gia thành viên trong Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan) để có sự phối hợp trong việc yêu cầu Chính phủ CHND Trung Hoa điều tiết nước từ các hồ chứa của các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông, giải quyết vấn nạn hạn, xâm mặn cho vùng hạ lưu - đặc biệt là châu thổ Cửu Long.

Minh Trần