Theo TS Nguyễn Cao Lãnh, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế một cách toàn diện với rất nhiều lợi ích, thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Trong lĩnh vực kiến trúc hiện nay, hành nghề kiến trúc sư (KTS) tại Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ dẫn tới những áp lực bắt buộc phải thay đổi của việc đào tạo kiến trúc.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu phát triển mới, những phát minh mới về khoa học công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Những khái niệm như phát triển bền vững, phát triển xanh, thế giới số, nền kinh tế số, tương tác số,… đã trở nên quen thuộc trong xã hội của các nước phát triển và của cả các nước đang phát triển. Điều này đã tác động mạnh đến việc đào tạo kiến trúc trên thế giới.

anhminhhoa-1.png

Công trình xanh, thiết kế bền vững là những yêu cầu bắt buộc trong kiến trúc và trở thành kiến thức nền tảng không thể thiếu trong các chương trình đào tạo kiến trúc. Mô hình hóa thông tin xây dựng công trình BIM cũng đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong thiết kế và được giảng dạy rộng rãi. Các ứng dụng về mô phỏng thiết kế 3D, thực tế ảo VR (Virtual reality), thực tế ảo tăng cường AR (Augmented reality), thực tế hỗn hợp tăng cường MR (Mixed reality), bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) làm phim hay truyền thông đa phương tiện cũng được giới thiệu cho sinh viên sử dụng. 

Sự thay đổi về kinh tế - xã hội, văn hóa, tập quán, thói quen, nhu cầu hay thông số kỹ thuật con người hiện tại và tương lai tác động tới không gian kiến trúc trong thế giới số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dần được đề cập đến trong các chương trình đào tạo kiến trúc.

Các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn hành nghề ngày càng cao hơn để đảm bảo yêu cầu chất lượng ngày càng cao của kiến trúc cũng tác động mạnh tới quá trình đào tạo KTS, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng và cập nhật kiến thức liên tục.

Để đáp ứng sự thay đổi đó, với nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của KTS đối với môi trường - xã hội, UNESCO và UIA đã công bố Hiến chương về đào tạo Kiến trúc lần đầu vào năm 1996 và rà soát lại vào các 2005, 2011, gần đây nhất là năm 2017. Hiến chương đã xác định rõ 11 nội dung cơ bản mà đào tạo kiến trúc phải bao hàm được, 06 mục tiêu cơ bản về đào tạo kiến trúc, trong đó chỉ ra ba nhóm lĩnh vực mà người học sau khi tốt nghiệp cần phải nắm bắt được, bao gồm: Thiết kế; Kiến thức về văn hóa và nghệ thuật, khoa học xã hội, môi trường, kỹ thuật, sáng tác, hành nghề; Kỹ năng.

Ngày 19/11/2007, các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc giữa các nước ASEAN tại Singapore. Để thực hiện Thỏa thuận  này, ngày 14/6/2011, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 554/QĐ-BXD về việc ban hành Quy chế đánh giá KTS ASEAN. Đây được coi như là một tiêu chuẩn hay chuẩn đầu ra để các cơ sở đào tạo KTS thực hiện chuẩn hóa lại chương trình và kế hoạch đào tạo của mình tại Việt Nam.

Tóm lại, thay đổi để tồn tại và phát triển, CMCN 4.0 không phải là viễn tưởng mà đã hiện diện trong mọi mặt đời sống xã hội, kể cả ở Việt Nam. Đó là xu hướng phát triển tất yếu và chúng ta phải thích nghi với điều đó. Hòa chung với xu hướng phát triển đó, đào tạo kiến trúc sư với đặc thù là kích thích, gợi mở và phát huy sự sáng tạo không gian cũng như thẩm mỹ của mỗi cá nhân đã có những công cụ hỗ trợ đắc lực. Nhưng như vậy là chưa đủ để tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 toàn cầu. Cần phải phát triển có hệ thống, toàn diện với các triết lý, quan điểm và giải pháp sáng tạo đột phá mới có thể tạo ra một môi trường đào tạo mới.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV