- Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo quy định diện tích làm việc cho giáo sư, giảng viên thực tế không phải là điều kiện cứng buộc các trường đáp ứng mà được dùng làm căn cứ để các cơ sở giáo dục lập đề án xây dựng.
Tại buổi tọa đàm góp ý kiến về Dự thảo thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức, đại diện nhiều trường bày tỏ băn khoăn về một số tiêu chí trong bộ chuẩn, đặc biệt là tiêu chí diện tích đất trên một người học chính quy.
PGS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cho hay theo tiêu chí của bộ chuẩn, trong tương lai diện tích đất trên một người học tối thiểu là 25m2 đất và 5m2 sàn. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát hiện nay, cả nước đang có 79m2 đất và 24m2 sàn trên mỗi sinh viên.
“Như vậy, với kết quả khảo sát này, hệ thống đại học của chúng ta đang lãng phí về tài nguyên”, ông Đông nói.
Dù vậy, theo ông Đông, hiện nay vẫn có sự mất cân đối giữa hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh. Về xu hướng chung, sinh viên tập trung ở hai đầu đất nước, nhưng quỹ đất không tiếp tục “nở” ra, từ đó gây thiếu đất cho người học.
Đại điện Trường ĐH Hòa Bình cho rằng cần phải có sự đánh giá chi tiết về quỹ đất ở hai đô thị này, giúp các trường yên tâm và có kịch bản đầu tư mở rộng cơ sở, phục vụ đáp ứng tiêu chí theo thông tư.
ThS Trương Đại Lượng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng bày tỏ băn khoăn về tiêu chuẩn này. Là trường thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lượng cho biết trong 20 năm qua, Bộ đã tính toán các phương án về đất đai cho trường, nhưng dù “tính hết cách này đến cách khác vẫn không khả thi”.
Do đó, với mục tiêu đến năm 2030 các trường phải đạt tối thiểu 25m2 đất/sinh viên, theo ông Lượng sẽ rất khó thực hiện.
Trước những băn khoăn này, TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng hiện nay các trường đại học chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Riêng ở Hà Nội hiện có khoảng 600.000 sinh viên đại học.
“Đất Hà Nội là đất vàng, chúng ta không thể hy vọng mở rộng quỹ đất cho trường đại học ngay trong nội đô. Nếu cứ giữ khư khư các trường ở trong nội thành sẽ không còn chỗ để thở”.
Cách duy nhất, theo TS Lê Đông Phương, là cơi nới, đưa các đại học ra ngoài Hà Nội, ví dụ như tới các tỉnh lân cận là Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh…
“Luật và dự thảo thông tư này không hạn chế các trường có bao nhiêu cơ sở, do đó các trường có thể mạnh dạn đặt yêu cầu về việc bố trí quỹ đất tới các địa phương. Chúng ta không phải đi xin đất mà đây vấn đề thuộc về quy hoạch”, TS Lê Đông Phương nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng để giải quyết vấn đề quỹ đất, các trường cần chủ động đề xuất với các địa phương.
“Trường đại học không thể chỉ là nơi đào tạo. Đó còn phải là trung tâm của tri thức, khoa học và đổi mới sáng tạo, do đó cần phải có không gian để phát triển.
Khi có đất, các trường sẽ có rất nhiều việc để làm, ví dụ như hợp tác với doanh nghiệp. Do đó, đất là thứ quý giá các trường đại học cần phải có”.
Về tiêu chí “Tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ trên tổng thu của cơ sở đào tạo, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 5% và đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%”, theo PGS.TS Hoàng Bùi Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế không phù hợp với một số ngành, lĩnh vực nghiên cứu, nhất là những nghiên cứu về khoa học cơ bản. “Trong ngành y, những nghiên cứu khoa học được áp dụng ngay tại bệnh viện. Ví dụ nhờ nghiên cứu, chúng tôi cứu chữa được 3 bệnh nhân. Những kết quả này rất khó quy ra được giá trị”. Do đó, PGS.TS Hoàng Bùi Bảo đề xuất có thể sử dụng các bài báo khoa học để thay thế cho hoạt động này. TS Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, băn khoăn về tiêu chí tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Theo ông, dù trường đã mời được nhiều giảng viên tốt, có xe đưa đón hàng ngày, nhưng do trường cách nội đô quá xa – khoảng 20km nên sau một thời gian, các tiến sĩ này cũng bỏ trường. Do đó, ông đề xuất cần có yêu cầu khác nhau về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giữa các đại học nội thành và ngoại thành. |