Trong Nghị quyết 59 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016 vừa được ban hành, để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, cùng với việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nốiliên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ (VPCP) và công khai tiến độ xử lý hồ sơ công việc trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong năm trong năm 2016 theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Theo báo cáo quý II/2016 của VPCP về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, tính đến hết tháng 6/2016, đã có 19/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới VPCP, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.
Ngoại trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là 2 cơ quan đặc thù, đang nghiên cứu phương án kết nối riêng để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đến hết quý II/2016, vẫn còn 9 cơ quan chưa hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với VPCP, gồm có: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Báo cáo của VPCP cũng nêu rõ, cơ quan này đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục các dịch vụ công trực tuyến ưu tiên thực hiện trong năm 2016 của các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ban hành Danh mục 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các Bộ, ngành thực hiện và Danh mục 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để các địa phương thực hiện trong năm 2016.
Văn phòng Chính phủ đang triển khai thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và hiện đã hoàn thành thử nghiệm tích hợp một số dịch vụ công mức 3 và 4 từ các Bộ, ngành, địa phương. Dự kiến, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 9/2016.
Đối với nhiệm vụ công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của các Bộ, ngành, địa phương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tính đến hết ngày 28/6/2016, đã có 13/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử. Mặc dù đã quá hơn 3 tháng so với thời hạn Chính phủ yêu cầu đối với nhiệm vụ này, đến cuối tháng 6/2016, ngoại trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là 2 cơ quan đặc thù, vẫn còn 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 8 địa phương chưa công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Ngày 28/6/2016, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đã ký văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Tư pháp, Tài chính, LĐTB&XH, NN&PTNT, VHTT&DL, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu, Phú Yên, Vĩnh Long khẩn trương phối hợp công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Theo thống kê trên trang tin điện tử công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đến thời điểm hiện tại, ngoài 2 Bộ đặc thù là Công an và Quốc phòng, vẫn còn 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ cùng 4 tỉnh, thành phố chưa công khai tiến độ xử lý hồ sơ.