Cuối tuần tháng 8, số lượng khách tới Yên Tử tấp nập hơn nhưng so với các điểm như Hạ Long, Ninh Bình hay Sapa thì vẫn còn khá khiêm tốn. Nhắc đến Yên Tử, người ta vẫn hình dung về một điểm đến thu hút đông đảo khách hành hương vào mùa lễ hội xuân, với chủ yếu là du khách Việt đến từ khắp các vùng, miền trong cả nước.

Năm 2018, Yên Tử đón hơn một triệu lượt người hành hương. Từ ngày 1/1/2018, tỉnh Quảng Ninh thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng mỗi lượt người lớn và 20.000 đồng mỗi lượt trẻ em, tổng thu phí đạt hơn 40 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các tầng lớp nhân dân, phật tử trong và ngoài nước đã biết đến Yên Tử nhiều hơn. Lượng khách đến với khu di tích có xu hướng tăng dần qua các năm, nhất là khách quốc tế từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,...

{keywords}
Khách tới Yên Tử dịp thấp điểm

Tuy lượng khách du lịch đến Yên Tử có tốc độ tăng trưởng khá cao, song chỉ tập trung vào ba tháng lễ hội đầu năm, còn lại bình quân trong năm còn chưa nhiều...

Hệ thống điểm dừng chân nghỉ ngơi, vệ sinh, mua sắm trên tuyến hành hương đi bộ tại Yên Tử còn thiếu; chương trình du lịch chưa phong phú, mang tính thời vụ; chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm mới đặc trưng về Yên Tử; bản sắc văn hoá địa phương phục vụ du lịch chưa được khai thác triệt để... Điều này sẽ hạn chế sự phát triển chủ lực của du lịch ở vùng đất giàu tiềm năng này.

Đại diện công ty Tùng Lâm cho biết: “Làng hành hương Yên Tử chỉ mới đi vào hoạt động được khoảng một năm nên vẫn gặp khó khăn trong khâu tiếp cận khách hàng. Chúng tôi mong muốn kết nối được với các công ty lữ hành và báo chí nhằm quảng bá và phát triển du lịch bền vững”.

Trong nỗ lực thu hút khách du lịch, đặc biệt là mùa thấp điểm, đơn vị quản lý khu du lịch Yên Tử đã đa dạng hóa các sản phẩm du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Yên Tử như: Học sử trên đỉnh non thiêng; hành hương theo dấu chân Phật Hoàng, du lịch trải nghiệm thiền tại chùa Hoa Yên,...

{keywords}
Diện mạo mới du lịch Yên Tử

Để hỗ trợ du khách lên chùa Đồng, tại Yên Tử có bố trí hai tuyến cáp treo. Tuyến cáp thứ nhất có chiều dài 1,2 km, công suất 3.500 người/giờ từ chân núi lên chùa Hoa Yên. Tuyến cáp thứ hai dài một km, công suất 3.000 người/giờ, xây phía đông của tuyến cáp số 1, song song và cách tuyến cũ 30 m (từ chùa Hoa Yên lên An Kỳ Sinh).

Hệ thống lưu trú cũng đã được hoàn thiện như khu làng Nương gồm 50 nóc nhà, bao bọc bởi 2 dãy phố mang phong cách xóm làng thời nhà Trần. Legacy Yên Tử, gồm 133 phòng được xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng Bill Bensley, được chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 8/2018.

Không chỉ lạc vào không gian kiến trúc, du khách còn được thưởng thức các sản vật địa phương, cũng như được tham gia vào nhiều dịch vụ khác như học thiền, tập yoga, tìm hiểu văn hóa thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử. Thời gian tới, tại đây sẽ còn có Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền viện... hứa hẹn đem đến một Yên Tử mới lạ, hấp dẫn đối với du khách.

Các công ty tour cũng thay đổi các chương trình nội dung để nhằm hấp dẫn du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Tổng Giám đốc APT Travel Nguyễn Hồng Đài chia sẻ, khách tới Yên Tử có thể lựa chọn theo hành trình 1 ngày, 2 ngày và 3 ngày tùy theo chương trình. Bên cạnh nghỉ ở Yên Tử, khách có thể kết hợp với du thuyền thăm vịnh Hạ Long. Với nỗ lực thu hút khách tới Yên Tử, đai diện tour khẳng định dù chỉ có 1 khách vẫn thực hiện hàng ngày.

Có thể nói, với những nỗ lực của cả cơ quan quản lý và các đơn vị tour, Yên Tử đang có nhiều thay đổi trong mắt du khách. Trước mắt, bên cạnh phát triển du lịch tâm linh tại Yên Tử, cần phải nỗ lực đầu tư cho du lịch tập trung về hệ sinh thái tự nhiên, lịch sử và văn hoá, có như vậy mới thúc đẩy tốc độ tăng trưởng du lịch.

Duy Anh