Trong những năm qua, cấp ủy chính quyền các xã trên địa bàn huyện Yên Sơn đã có nhiều giải pháp giúp đỡ hộ dân phát triển kinh tế trang trại, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hiện đã có nhiều trang trại đang phát huy tốt hiệu quả, có mức thu nhập đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.

Liên kết đầu tư trồng, chế biến gỗ rừng trồng hiệu quả

Một trong những mô hình thành công là phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, huyện Yên Sơn đã huy động, thu hút doanh nghiệp, người dân liên kết đầu tư trồng, chế biến gỗ rừng trồng hiệu quả.

{keywords}
Nhiều hộ dân ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang kết hợp trồng rừng với phát triển kinh tế trang trại, lấy ngắn nuôi dài, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Xã Tân Long có trên 1.950 ha đất rừng sản xuất. Hàng năm doanh thu từ rừng đạt trên 30 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thu nhập của toàn xã. Nhiều hộ kết hợp trồng rừng với phát triển kinh tế trang trại, lấy ngắn nuôi dài, cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Vũ Mạnh Hùng, thôn 16 là một trong những hộ tiên phong trong phong trào trồng rừng của xã. Gần 10 năm trước, gia đình ông đã nhận khoán trồng 5 ha rừng, nhận thấy hiệu quả của kinh tế lâm nghiệp, mỗi năm ông đầu tư mua, thuê hoặc liên kết trồng rừng. Đến nay, gia đình ông Hùng có trên 30 ha rừng, trong đó có 5 ha đã cho thu hoạch chu kỳ 1 thu được trên 250 triệu đồng. 

Theo quan sát của bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, không riêng gì Tân Long, các xã Phú Thịnh, Tiến Bộ, Nhữ Hán, Nhữ Khê đều trở thành điểm sáng phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tại đây, nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư vốn, chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp trồng hàng chục ha rừng. Ngoài ra, 3 Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi đóng trên địa bàn cũng mở rộng hình thức liên doanh với các hộ nông dân và công nhân của công ty cùng góp vốn tham gia trồng rừng và hưởng lợi từ rừng. Trung bình mỗi năm, huyện trồng mới trên 3.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%; sản lượng khai thác rừng hàng năm của huyện đạt khoảng 200.000 m3.

Hoàn thành việc quy hoạch, cắm mốc phân ba loại rừng

Tới nay, huyện Yên Sơn đã hoàn thành việc quy hoạch, cắm mốc phân ba loại rừng góp phần tạo nên hành lang pháp lý để các xã trên địa bàn huyện chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng đạt kết quả tốt. Để nâng cao giá trị kinh tế rừng, từ năm 2016, huyện Yên Sơn đã triển khai thực hiện việc quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Nhờ đó, toàn huyện có hơn 10.700 ha rừng FSC, giá trị gỗ rừng trồng tăng lên từ 10 đến 15%. Huyện phấn đấu mỗi năm có thêm ít nhất 2.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, nâng giá trị kinh tế rừng trồng đạt trên 130 triệu đồng/ha/chu kỳ 7-8 năm. 

Huyện Yên Sơn cũng quan tâm thu hút các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực đầu tư trồng, chế biến gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và các vùng lân cận. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, hiện huyện Yên Sơn đang rốt ráo triển khai trồng rừng theo hướng thâm canh, tăng năng suất bằng các giống cây nuôi cấy mô; nuôi trồng rừng gỗ lớn.     

Thúy Nga
Ảnh: Thu Thủy