Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lạc lần thứ XXII đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có trên 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, trên 15% xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, trên 25% số thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Song song với đó, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng NTM được đẩy mạnh.

Phát động nhiều phong trào, cuộc thi đua

Huyện giao Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động các phong trào, xây dựng các mô hình điển hình, các cuộc thi đua… Từ các phong trào, cuộc vận động đó đã huy động sự vào cuộc của hội viên, đoàn viên và đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân.

Có thể kể đến như: Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; Hội Liên hiệp phụ nữ với cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; MTTQ huyện với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân tham gia sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”;…

Trong 4 năm qua, Yên Lạc đã đầu tư xây dựng 178 công trình, dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, huyện đầu tư trên địa bàn huyện đã được đưa vào sử dụng: Quảng trường Kim Ngọc, đường vành Đai 3 của tỉnh; triển khai đường trục Bắc – Nam, Dự án quản lý nguồn nước chống ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc,...

Tốc độ tăng giá trị sản xuất trung bình đạt 9,25%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản xuất ngành công nghiêp – xây dựng, thương mại – dịch vụ và giảm ngành Nông – Lâm – Thuỷ sản.

Công nghiệp, làng nghề truyền thống tiếp tục phát triển ổn định; các làng nghề, cụm công nghiệp được đầu tư tương đối đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu hút và giải quyết lao động nông thôn.

Sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại hóa, cơ giới hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị được mở rộng như: trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà kính tại xã Hồng Châu, Văn Tiến; sản phẩm lợn, gà, bò sữa liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại xã Liên Châu, Đại Tự, Trung Hà... ; rau sạch tại xã Hồng Phương, Liên Châu;…

W-anhminhoa.png
Ảnh minh hoạ

Các sản phẩm OCOP của huyện đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến năm 2023, toàn huyện có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cơ sở vật chất, các điều kiện dạy và học được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá. 17/17 xã, thị trấn có đủ 3 cấp trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 18 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm đều xếp ở tốp đầu của tỉnh.

Công tác giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cán bộ, nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 86%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới giảm còn 0,62%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 72 triệu đồng/người/năm.

Quan tâm môi trường và đời sống tinh thần của người dân

Chất lượng môi trường sống của người dân cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn huyện có 05 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế 7.900m3/ngày đêm cung cấp nước sinh hoạt cho 7 xã, thị trấn. Còn 10 xã, thị trấn nằm trong vùng cấp nước Nhà máy nước Sông Hồng đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường với tổng công suất 29.000m3/ ngày đêm. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn tại vùng nông thôn đạt 87,5%.

Các xã, thị trấn đã thành lập các tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, HTX vệ sinh môi trường để thực hiện thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện; bố trí 61 điểm chôn lấp, tập kết và vận hành 09 lò đốt được đầu tư ở các xã và 01 khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Tam Hồng quy mô toàn huyện.

Huyện Yên Lạc được tỉnh đầu tư xây dựng 02 công trình xử lý nước thải tập trung, nâng tổng số công trình xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn huyện lên 05 công trình, đảm bảo xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trước khi thải ra môi trường.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được đặc biệt quan tâm, đầu tư.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương được gìn giữ, bảo tồn và phát huy thông qua một số lễ hội tiêu biểu như: lễ hội Đền Thính, đền Tranh, đình Trung Hà, đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn... Các dịp lễ hội được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với nếp sống văn minh, góp phần xây dựng NTM theo hướng vừa hiện đại vừa giàu bản sắc văn hoá.

Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá được triển khai tích cực với 125/125 thôn văn hoá; 17/17 xã, thị trấn có thiết chế văn hoá xã, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn.

Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng diễn ra thường xuyên, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện.

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục phát huy hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng các mô hình “5 tự quản về an ninh trật tự”, “camera an ninh” tại các thôn, tổ dân phố, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ an ninh trật tự.