Ngày 10/10/2022, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 897 về việc quy định chi tiết xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo đó, thôn thông minh đạt các tiêu chí cụ thể như: Hạ tầng mạng Internet băng rộng cáp quang phủ trên số hộ gia đình đạt từ 80% trở lên; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G đạt 100%; có mạng wifi miễn phí ở nhà văn hóa thôn; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt từ 90% trở lên...
Bám sát quy định của các cấp về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều thôn thông minh trên địa bàn huyện Yên Khánh đang dần hiện hữu.
Ông Phạm Văn Phụ, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Khánh cho biết, thực hiện Kế hoạch của UBND huyện Yên Khánh về triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn huyện và Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn thông minh; bố trí nguồn kinh phí thực hiện chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục huy động lực lượng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Đến nay, 16/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh đã thực hiện, đạt 85,6%; xây dựng 8 thôn thông minh; hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% thôn, xóm, phố; 100% dân cư được phủ sóng thông tin di động 4G, 5G; trên 90% người dân trong độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh; trên 80% hộ gia đình có sử dụng Internet và điện thoại thông minh.
Thí điểm mô hình chuyển đổi số và xây dựng thôn thông minh, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh lựa chọn thôn Xuân Dương 2 để chỉ đạo thực hiện. Sau 1 năm triển khai, đời sống của người dân thôn Xuân Dương 2 có những đổi thay tích cực.
Ông Đinh Văn Bẩy, Trưởng thôn Xuân Dương 2 chia sẻ, từ ngày thực hiện chuyển đổi số và mô hình thôn thông minh, việc triển khai các công việc của thôn xóm đã thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều. Nếu trước đây, ông Bẩy phải túc trực hàng ngày tại Nhà văn hóa để giải quyết công việc thôn, trực hệ thống loa truyền thanh... thì nay, với chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, ông cũng có thể giải quyết công việc. Nhờ đó, năm 2023, thôn Xuân Dương 2 đã được công nhận là thôn thông minh.
Tương tự, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh đã chọn xóm Chùa để triển khai xây dựng xóm thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu. Trước đây khi thông báo các sự kiện, hội họp, cán bộ xóm Chùa sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số người dân nắm bắt không kịp thời. Giờ đây, với ứng dụng thành lập nhóm Zalo của xóm, người dân đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Được biết, hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn huyện Yên Khánh đều thành lập được trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên ứng dụng mạng xã hội Zalo. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến trục đường chính.
Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử; hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử; tiếp nhận thông tin từ chính quyền xã qua app xã hội số...
Không chỉ có xã Khánh Cư, Khánh Hòa mà ở nhiều xã khác của huyện Yên Khánh cũng đã và đang tích cực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh, bắt đầu từ thôn xóm, dựa vào sức dân.
Cụ thể, trong quá trình xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xóm 11, Đông Cường, xã Khánh Cường đã huy động nhân dân đóng góp được gần 400 triệu đồng để chỉnh trang, nâng cấp Nhà văn hoá, mở rộng đường giao thông, đồng thời trồng hoa, cây xanh 2 bên đường, lắp đặt điện chiếu sáng tạo diện mạo sáng xanh, sạch đẹp và đảm bảo an ninh trật tự. Điều này đã mang đến một diện mạo mới cho các làng quê ở Yên Khánh trở thành những miền quê đáng sống.