Là một trong những địa phương xây dựng thôn thông minh đầu tiên của huyện Yên Định và là điểm chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, xã Định Long đã xây dựng mô hình “3 không” là: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công, không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền.
Ngay khi được huyện triển khai, xã Định Long xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, thực hiện tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, trang thông tin điện tử, các hội nghị, tập huấn...
Hiện nay, hệ thống đăng nhập tập trung đã được triển khai; 100% các văn bản tạo lập trên môi trường mạng, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được tiếp nhận và xử lý trên phần mềm một cửa điện tử; 100% hộ dân có hồ sơ sức khỏe...
Xã Định Long còn lắp đặt 80 camera giám sát an ninh đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong tham gia giao thông, thu dọn rác..
Trong phát triển nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã chú trọng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, máy móc hiện đại, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã đầu tư hệ thống ăn, uống nước tự động, hệ thống cảm biến để kiểm soát nhiệt độ chuồng nuôi, theo dõi chăm sóc đàn vật nuôi trên máy tính hoặc qua màn hình tivi...
Được biết, Yên Định là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện, toàn huyện có 799 mắt camera an ninh được lắp đặt tại 20 xã, thị trấn; 27 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông đã trở thành điểm tư vấn, hỗ trợ triển khai các dịch vụ chuyển đổi số; 149 tổ công nghệ số cộng đồng; 12/17 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn...
Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển đảm bảo kết nối thông suốt với 168 điểm phát phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân tại nhà văn hóa, điểm di tích...
Thời gian tới, huyện Yên Định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “3 không”; khuyến khích các địa phương tiếp tục những sáng kiến hay về xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh.
Song song với đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số thời gian tới.