Để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, giảm tỉ lệ dịch bệnh trên đàn gia súc, góp phần tăng trưởng kinh tế, năm 2021, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình.

Đồng thời, phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật trên cạn. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục khống chế và tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, tỉnh hướng đến mục đích tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc bằng vắc-xin, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm ở động vật lây nhiễm sang người.

Các đối tượng nằm trong diện tiêm phòng là:

Đàn trâu, bò: Tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng và vắc xin lở mồm long móng.

Đàn lợn: Tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng (dịch tả lợn và vắc xin kép tụ huyết trùng, phó thương hàn lợn).

Thời gian tiêm phòng sẽ diễn ra 2 đợt, gồm: đợt I vào tháng 3, 4; đợt II vào tháng 9, 10 năm 2021.

Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò, lợn đạt 100% trong diện tiêm phòng (vắc-xin lở mồm long móng phải được tiêm nhắc lại lần hai sau 28 ngày đối với những gia súc tiêm lần đầu tiên).

Sau mỗi đợt tiêm chính, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức rà soát số lượng gia súc mới nuôi, tái đàn hoặc chưa được tiêm phòng để tiêm phòng bổ sung.

Tổng số vắc-xin tiêm phòng 834.690 liều: Tụ huyết trùng trâu, bò 157.090 liều; Tụ huyết trùng lợn 219.400 liều; Dịch tả lợn 219.400 liều; Lở mồm long móng 154.800 liều.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu giám sát dịch bệnh và giám sát sau tiêm phòng. Trong đó, giám sát dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi,...

Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn trâu, bò sau khi được tiêm vắc-xin lở mồm long móng.

Song song với các giải pháp trên, việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cũng được tỉnh chú trọng.

Tỉnh yêu cầu lực lượng liên ngành, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ đủ điều kiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn, đặc biệt đối với động vật làm giống. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, làm lây lan dịch bệnh.

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh: Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp này từ ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước.

Minh Phúc