Theo Sở TT&TT Yên Bái, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch hành động số 170/KH-UBND ngày 24/12/2015. Trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đồng thời phân công các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện các nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp 3.596 tài khoản sử dụng thuộc hệ thống phần mềm quản lý văn bản của tỉnh cho 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, đạt tỷ lệ 100% tổng số cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện được cấp tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản. Cấp 800 tài khoản sử dụng cho cấp xã, trong đó riêng huyện Văn Yên là 100% UBND cấp xã, cán bộ xã; UBND Thành phố Yên Bái là 6/17 xã phường...

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai kết nối thành công hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh Yên Bái với trục liên thông Quốc gia và thực hiện thử nghiệm gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ đến 3 cấp chính quyền của tỉnh Yên Bái gồm: Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Văn Yên, UBND xã Đại Sơn (huyện Văn Yên). Hiện nay, các cơ quan có liên quan đang nghiên cứu chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng như sẵn sàng kết nối với trục liên thông quốc gia theo kế hoạch đề ra.

Từ ngày 1/10/2017, các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Yên Bái, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ chính thức áp dụng chữ ký số trong việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, sẽ triển khai xây dựng 295 dịch vụ công thuộc 13 ngành, xây dựng phần mềm “Một cửa” điện tử tại UBND huyện Văn Chấn và 6 dịch vụ công mức độ 3 huyện Văn Yên và huyện Văn Chấn.

Hiện nay tại các địa phương ở Yên Bái khi triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng Chính phủ điện tử còn gặp những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2017; việc nâng cao nhận thức của người dân khi đưa vào sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến, những khó khăn về hạ tầng CNTT khi triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến; khó khăn trong vấn đề kinh phí đầu tư cho CNTT. Nhiều ý kiến cũng đề xuất việc liên thông văn bản giữa các sở với UBND tỉnh và giữa các sở, ngành với nhau; giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện; Nguồn lực dành cho ứng dụng CNTT …

Các hệ thống CNTT cấu thành chính quyền điện tử còn tồn tại nhiều hạn chế: tính thống nhất giữa các phần mềm chưa cao, khả năng vận hành, tính năng tương tác, liên thông, chia sẻ còn hạn chế. Nguyên nhân là do việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh còn là lĩnh vực mới, nhận thức của nhiều sở, ngành và địa phương về ứng dụng CNTT chưa đầy đủ, nguồn lực, nhân lực và hạ tầng CNTT hạn chế đã ảnh hưởng đến việc triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho Sở TT&TT hoàn thiện báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Trong đó cần có đánh giá tổng thể tất cả các vấn đề về xây dựng cơ quan điện tử của tỉnh Yên Bái như: hiện trạng, chất lượng, so sánh với yêu cầu, mục tiêu đã đặt ra, những mục tiêu đặt ra trong thời gian sắp tới. Đồng thời cần chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể cho lộ trình triển khai, nguồn lực dành cho việc triển khai.

Trong đó có một số nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian tới: cần rà soát đánh giá việc nâng cấp phần mềm Quản lý điều hành xuống đến các huyện, việc nâng cấp phải đáp ứng được yêu cầu về khả năng tương tác giữa các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giữa các sở, ngành với các địa phương trong tỉnh. Nhanh chóng triển khai xây dựng dịch vụ công trực tuyến, trong đó cần có đánh giá cụ thể đối với những dịch vụ đã triển khai và chưa triển khai.

Sở TT&TT cần phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 846/QĐ-TTg về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó cần làm rõ lộ trình về việc hoàn thành dịch vụ công trực tuyến. Nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến để tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương cần tranh thủ các nguồn lực khác nhau cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước; Đề xuất lộ trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các ngành.

Trong tháng 7, Sở TT&TT Yên Bái cũng hoàn thành việc triển khai dự án về giao ban trực tuyến, đồng thời, nghiên cứu dự án trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đào tạo nhân lực CNTT cho các sở, ngành và các địa phương. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao vai trò trách nhiệm của công chức, viên chức trong ứng dụng CNTT, nhân rộng mô hình ứng dụng CNTT của các địa phương đang làm tốt như huyện Lục Yên, Văn Yên.