Yên Bái có diện tích rừng 418.495 ha, bao gồm 238.976 ha rừng tự nhiên, 179.519 ha rừng trồng. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF), Yên Bái có hệ sinh thái đa dạng với hệ động thực vật phong phú. Ghi nhận tại tỉnh có khoảng 1.035 loài thực vật bậc cao thuộc 161 họ, 561 chi. Ngoài các loại gỗ quý như Pơ mu, Lim, Sến, Táu, Gù hương, Yên Bái còn có nhiều cây dược liệu có giá trị làm thuốc quý hiếm. Về động vật, các khu rừng tự nhiên ở Yên Bái như Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Lục Nam có nhiều loài thú, chim và bò sát. Có nhiều động vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam vào năm 2007 như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, gà lôi tím, voọc xám...
Tại Yên Bái, do tình trạng người dân quanh rừng lén lút vào rừng khai thác lâm sản trái phép và tác động của nhiều công trình thủy điện, biến đổi khí hậu dẫn tới hệ sinh thái tại đây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Kiểu Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ngoài đẩy mạnh các chế tài xử lý vi phạm thì công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt, bền vững.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các đơn vị tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động tới người dân trong tỉnh, ưu tiên cộng đồng sinh sống ở vùng đệm của rừng. Các hình thức tuyên tuyền từ trực tiếp tới gián tiếp, qua các buổi họp làng, xã. Lồng ghép trong các nội dung phát triển kinh tế xã hội chung, qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, các bảng tin, panơ, áp phích.
Các Hạt, trạm kiểm lâm tăng cường tuần tra cơ sở, nắm bắt thông tin kịp thời để ngăn ngừa xảy ra các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Kiểm lâm cơ sở trên địa bàn được giao thường xuyên phối hợp với địa phương có rừng tích cực tuyên truyền cho người dân, đồng thời ký cam kết nâng cao ý thức bảo vệ rừng đến từng thôn, bản, hộ dân.
Theo ông Giang, để công tác bảo vệ rừng, duy trì đa dạng sinh học hợp lý, hàng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đều rà soát và có kế hoạch luân chuyển cán bộ kiểm lâm địa bàn cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của công việc. Nhờ đó, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh từ nay tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050, quan điểm của UBND tỉnh Yên Bái đó là gắn bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái, đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện cân bằng hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học. Ngoài ra, Yên Bái cũng tranh thủ nguồn lực ưu tiên bảo vệ đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển sinh thái tự nhiên, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác với các tỉnh lân cận trong việc trao đổi thông tin về bảo tồn nguồn gen quý.
UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh thực hiện đấu tranh, ngăn chặn các hành động xâm hại đến an ninh quốc gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.