Việc lập hồ sơ khoa học Di tích quốc gia "Ruộng bậc thang Mù Cang Chải" nhằm nhận diện, xác định giá trị của di tích trong đời sống cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.
Quá trình lập hồ sơ khoa học Di tích quốc gia "Ruộng bậc thang Mù Cang Chải" trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt được tiến hành theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, tỉnh Yên Bái tổ chức điền dã, điều tra khảo sát, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, thu thập thông tin liên quan đến Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trên địa bàn 6 xã, gồm: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình, Cao Phạ, Mồ Dề và Lao Chải.
Giai đoạn 2, tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Ruộng bậc thang đẹp nhất vào tháng 5 – 6 khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước và tháng 9 – 10 khi một màu lúa nếp chín vàng óng ả trải dài khắp các triền đồi. |
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác kết hợp giữa nương rẫy và ruộng nước, một loại hình canh tác khá hiệu quả ở vùng đất dốc được các cư dân vùng cao vận dụng một cách khéo léo. Từ đời này sang đời khác, các thế hệ người Mông vẫn bảo lưu qui trình khai khẩn ruộng bậc thang gồm các bước: lựa chọn vùng đất, xác lập quyền khai khẩn, tiến hành khai khẩn và làm bờ ruộng.
Do điều kiện đặc thù tự nhiên của vùng núi non Mù Cang Chải, không có các cánh đồng lòng chảo nên từ hàng trăm năm nay, bà con vẫn cứ phải bám lấy núi đồi, cần mẫn tạo nên những khoanh ruộng để canh tác. Việc khai khẩn ruộng bậc thang để trồng lúa nước trên triền núi tỏ ra có hiệu quả đem lại năng suất cao. Trải qua bao đời, việc vận dụng sáng tạo của bà con vô hình chung đã tạo thành những dãy ruộng bậc thang rất đỗi ngoạn mục, kéo dài từ đỉnh núi xuống đến tận chân núi.
Điểm thú vị là bên cạnh sự hùng vĩ của núi rừng, sự trong lành của khí hậu, sự hoành tráng của những thửa ruộng bậc thang, còn có cả sự thân thiện mến khách của những người Mông chân chất hiền hòa. Du khách đến đây dù vào thời điểm nào cũng đều cảm nhận sự ấm áp của tình người làm quên đi cái giá lạnh đặc trưng vùng sơn cước…
Ruộng bậc thang đẹp nhất vào tháng 5 – 6 khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước và tháng 9 – 10 khi một màu lúa nếp chín vàng óng ả trải dài khắp các triền đồi. Du khách thích đến Mù Cang Chải vào hai thời điểm này để được tận mắt chứng kiến những mâm xôi xanh, vàng hiện lên giữa bạt ngàn đồi núi. Dừng chân tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình, ở đâu du khách cũng nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Từ lưng chừng núi nơi những thửa ruộng bậc thang thể hiện trọn vẹn nhất nét độc đáo, du khách mới thực sự ngỡ ngàng trước tài nghệ của các nghệ nhân chân đất, đã sáng tạo ra những công trình mang nhiều giá trị thẩm mỹ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch Tây Bắc. Nét đẹp đặc sắc của văn hóa vùng cao được thể hiện một cách sinh động và thần kỳ qua những thửa ruộng bậc thang độc đáo, đang ngày càng hấp dẫn giới nhiếp ảnh cùng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Từ phương thức canh tác độc đáo, những người dân tộc Mông đã biến “làng cây khô” thành khu đồi ruộng tràn đầy sức sống, từng bậc ruộng tiếp ruộng như muốn thể hiện ý chí của con người, vươn tới bầu trời cao…
Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 10/QĐ – BVHTTDL ngày 17/10/2007.
Tình Lê