Ngày 12/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã rời khỏi Bệnh viện St Thomas sau một tuần chữa trị. Trước đó, ông đã phải nằm vài ngày trong Khu Chăm sóc Tích cực.

Trong một video đăng tải sau khi xuất viện, Thủ tướng 55 tuổi bày tỏ sự tri ân với các y bác sĩ: “Không có lời cảm ơn nào là đủ. Tôi nợ họ mạng sống của mình”.

{keywords}

Thủ tướng Boris Johnson dành lời cảm ơn cho các y bác sĩ chữa trị cho mình. Ảnh: Stuff

Không chỉ vậy, ông Johnson còn nhắc tên cụ thể và cảm ơn nhiều y tá trước khi nói thêm: “Tôi hy vọng các bạn không phiền lòng nếu tôi đặc biệt nói tới hai y tá đã túc trực bên giường của tôi suốt 48 tiếng khi mọi chuyện có thể diễn biến theo một hướng khác.”

“Đó là Jenny, người New Zealand và Luis sống gần Porto, Bồ Đào Nha”.

“Cuối cùng cơ thể tôi bắt đầu có đủ oxy là nhờ suốt cả đêm, trong từng giây, họ đều quan sát, suy nghĩ, chăm sóc và cung cấp những can thiệp y tế mà tôi cần”, ông Johnson nói. 

Jenny McGee, 35 tuổi, chuyển tới Anh 8 năm trước sau khi được đào tạo làm y tá chăm sóc tích cực ở Melbourne (Australia). Khi điều trị cho Thủ tướng Anh, cô hoàn toàn không kể bất cứ thông tin nào cho ai, kể cả người nhà. Gia đình cô biết tin ông Johnson vào bệnh viện của con gái qua báo chí.

Chỉ sau khi bệnh nhân đặc biệt bình phục, Jenny mới nói chuyện với bố mẹ. “Con gái tôi kể đã có quãng thời gian như mơ trong cuộc đời, một điều mà con bé không thể quên”, Caroline, mẹ của Jenny, tâm sự.

Tuy nhiên, bà Caroline cũng cho hay, Jenny là một y tá chuyên nghiệp và đối xử với Thủ tướng Anh cũng như mọi bệnh nhân khác.

“Dù chăm sóc bệnh nhân nào, con bé cũng làm điều tương tự và tôi thấy thật khó tin khi nó hay bất cứ y tá nào có thể làm như vậy trong suốt 12 tiếng”.

"Ngồi và quan sát bệnh nhân, điều chỉnh tất cả các loại thiết bị khác nhau để giữ cho bệnh nhân được sống. Thực sự quá tuyệt vời”, người mẹ của nữ y tá kể.

{keywords}

Nữ y tá Jenny McGee đã có 8 năm làm việc tại Anh. Ảnh: RNZ

Anh trai Rob của Jenny chia sẻ: “Chúng tôi tự hào về Jen, không chỉ bởi em tôi chăm sóc cho ông Johnson mà còn vì những việc hàng ngày em làm để giúp đỡ mọi người”.

“Hạnh phúc khi được ông ấy ghi nhận, Jenny chỉ thực sự hài lòng khi xã hội đánh giá cao những nỗ lực của Dịch vụ Y tế quốc gia”.

Y tá thứ hai được Thủ tướng Anh ca ngợi là anh Pitarma, 29 tuổi. Chàng trai người Bồ Đào Nha học nghề y tá ở Lisbon trước khi chuyển sang Anh 6 năm trước.

Theo thống kê vào tháng 7/2019, khoảng 13% nhân viên trong lực lượng y tế của Anh là người nước ngoài. Trong số đó có người Ấn Độ, Philippines, Ireland, Ba Lan và Bồ Đào Nha...

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock mới đây đã ca ngợi tất cả những người tham gia Dịch vụ Y tế quốc gia của Anh tới từ khắp nơi trên thế giới.

An Yên (Theo BBC)

Anh thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến lớn nhất thế giới trong 9 ngày

Anh thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến lớn nhất thế giới trong 9 ngày

Anh đã chính thức đưa vào vận hành bệnh viện dã chiến với quy mô 4.000 giường bệnh sau 9 ngày xây dựng.