Từ đề cương văn hóa năm 1943
Bối cảnh đất nước trong những thập kỷ đầu thế kỷ 20 đã đặt ra sứ mệnh lịch sử cho các tổ chức chính trị ở nước ta, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, là thực hiện cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ cai trị của thực dân ngoại bang, giành lại nền độc lập cho dân tộc.
Trong số các tổ chức chính trị thời kỳ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nổi lên và dần trở thành một đảng chính trị có tổ chức chặt chẽ nhất, mục tiêu chính trị rõ ràng và có sức thuyết phục nhất, cho nên đã quy tụ được sự ủng hộ từ đông đảo các lực lượng xã hội.
Những thắng lợi trong lãnh đạo cách mạng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước do Đảng đã đáp ứng được những vấn đề lợi ích sống còn của số đông dân chúng và cả dân tộc.
Chính động lực ra đời và tiến trình lãnh đạo cách mạng dân tộc trong gần một thế kỷ qua đã tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với lợi ích của đa số người dân trong xã hội. Đặc biệt, vai trò không thể thay thế trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên địa vị vững chắc của một đảng chính trị duy nhất đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta cho đến ngày nay.
Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặc biệt coi trọng vai trò của văn hóa, lãnh đạo văn hóa, và cách mạng văn hóa. “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943” đã chỉ rõ: kinh tế, chính trị, văn hóa là ba mặt trận mà Đảng phải hoạt động. Đảng phải lãnh đạo được văn hóa mới tạo được ảnh hưởng trong xã hội, góp phần cho sự thành công trong vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Do bối cảnh khi đó, “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943” chưa đề cập đến vấn đề “Văn hóa Đảng”. Cho đến hiện nay, chủ đề văn hóa Đảng cũng chưa được trình bày rõ ràng trong các văn kiện đại hội.
Thực tế này thể hiện phần nào qua nhận định trong Báo cáo 10 năm thực hiện cương lĩnh 2011: “thiếu các tiêu chí cụ thể về xây dựng văn hóa trong Đảng”. Vì thế, mặc dù đã xác định từ rất sớm về tầm quan trọng của văn hóa trong lãnh đạo nhưng đến nay, ý niệm về văn hóa Đảng vẫn chưa rõ ràng và Đảng chủ yếu lãnh đạo bằng tư tưởng, chủ trương, đường lối, chứ chưa đặt ra vấn đề Đảng lãnh đạo bằng văn hóa.
Văn hóa chính trị
Cần khẳng định, văn hóa Đảng là văn hóa của một tổ chức chính trị, cho nên trước hết văn hóa Đảng là văn hóa chính trị. Theo đó, văn hóa Đảng tập hợp hệ giá trị, biểu tượng, và niềm tin chính trị có vai trò định hình cách thức tư duy, thái độ, và hành động chính trị của mỗi đảng viên cũng như bản thân tổ chức Đảng.
Cấu phần phi vật chất quan trọng nhất của văn hóa Đảng là hệ tư tưởng và lý thuyết chính trị. Nếu tư tưởng chính trị cho biết những gì đúng đắn mà Đảng đề cao và theo đuổi, thì lý thuyết chính trị trình bày cách thức, biện pháp để đạt được những mục tiêu đó.
Cụ thể hơn, đó là tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, và các lý luận về con đường đi đến các giai đoạn xã hội nêu trên của chủ nghĩa Marx – Lê Nin, và của Đảng.
Ngược lại, cấu phần vật chất của văn hóa Đảng bao gồm tất cả những gì mà chúng ta có thể nhận biết được qua các giác quan như: mầu cờ, lễ nghi, hệ thống tổ chức, quy định, biểu tượng, công trình kiến trúc, di tích lịch sử, di vật của các nhà hoạt động cách mạng…
Mặc dù có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng cần phân biệt giữa văn hóa Đảng với văn hóa Nhà nước và văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc là văn hóa của cả cộng đồng người, thể hiện qua “Hệ giá trị Việt Nam” như: Yêu nước, Đoàn kết, Tập thể, Độc lập. Văn hóa của Nhà nước là văn hóa khu vực công, thể hiện qua “Hệ giá trị công” như: Liêm chính, Trung thực, Trách nhiệm, Minh bạch, Bình đẳng.
Trong khi đó, văn hóa Đảng là văn hóa của một tổ chức chính trị, thể hiện qua “Hệ giá trị chính trị xã hội chủ nghĩa” như: Cộng đồng, Nhân văn, Công bằng xã hội, Sở hữu tập thể.
Nhận thức rõ về mối liên hệ chặt chẽ nhưng không đồng nhất với nhau giữa ba hệ thống văn hóa nêu trên, Báo cáo thực hiện Cương lĩnh 2011 chỉ ra nhu cầu: “Xây dựng và thực hiện hệ giá trị Việt Nam…Xây dựng hệ giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền, và của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo đó, văn hóa của Đảng và Nhà nước tiêu biểu cho dân tộc và xu thế phát triển của nhân loại để có thể dẫn dắt, định hướng cho việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời gian tới.
Hệ thống trường Đảng
Với văn hóa dân tộc, cá nhân có thể tiếp nhận và thẩm thấu qua nhiều môi trường khác nhau, như: gia đình, trường học, nhóm bạn bè, và truyền thông đại chúng. Gắn với từng giai đoạn phát triển trong suốt cuộc đời, cá nhân từng bước mở rộng sự tiếp xúc với các môi trường văn hóa nêu trên, qua đó từng bước định hình được bản sắc văn hóa cá nhân, thể hiện rõ nhất qua cách nghĩ và cách sống riêng của mình.
Do đặc thù của văn hóa tổ chức chính trị, không phải mọi cá nhân đều có thể lĩnh hội văn hóa Đảng ngay từ khi sinh ra. Khi trưởng thành, cá nhân có thể tiếp xúc với văn hóa chính trị nói chung và văn hóa Đảng nói riêng chủ yếu qua hệ thống truyền thông đại chúng, với mức độ khác nhau.
Hệ thống trường Đảng chính là thiết chế đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, bảo lưu, vun đắp, và chuyển giao các giá trị văn hóa Đảng. Khác với trường học thông thường, hệ thống trường Đảng các cấp cung cấp cho cá nhân đầy đủ nhất những bản sắc của văn hóa Đảng.
Mặc dù phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn so với hệ thống truyền thông đại chúng nhưng hệ thống trường Đảng, nhờ nội dung giảng dạy toàn diện và có chiều sâu, lại có khả năng khắc đậm hơn trong tâm thức mỗi cá nhân về văn hóa chính trị của Đảng.
Trong hệ thống một Đảng lãnh đạo và cầm quyền, văn hóa Đảng chính là thành tố then chốt bậc nhất tạo nên văn hóa chính trị của cả một quốc gia. Bản sắc văn hóa Đảng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ của người dân về các thiết chế chính trị như Đảng, Chính quyền, Hiến pháp và Luật pháp…
Cũng vì thế, văn hóa Đảng chính là yếu tố sâu xa bậc nhất để có thể thu hút sự ủng hộ của người dân với các chủ trương chính trị, tầm nhìn lãnh đạo của Đảng và chính sách công của Nhà nước.
Cũng có nghĩa, để có thể lãnh đạo bằng văn hóa chính trị, Đảng phải định hình rõ bản sắc văn hóa chính trị, không chỉ để góp phần tạo nên văn hóa dân tộc mà còn tạo động lực khiến mỗi cá nhân được hấp dẫn và tự giác chấp nhận các giá trị, niềm tin, và chuẩn mực chính trị. Nhờ đó, văn hóa Đảng có thể điều chỉnh được nhận thức và hành vi chính trị của cá nhân theo định hướng chính trị mà Đảng mong muốn.
Với những di sản sẵn có, hệ thống trường Đảng đứng trước những cơ hội và yêu cầu cao hơn để trở thành các thiết chế văn hóa chính trị. Để đáp ứng được kỳ vọng vai trò và có sức hấp dẫn với các thành viên trong xã hội, trường Đảng không chỉ hoạt động đơn thuần như một cơ sở đào tạo, mà phải hướng đến trở thành một biểu tượng văn hóa với những đặc trưng về trí tuệ, đạo đức, văn minh.
TS Nguyễn Văn Đáng