Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ ba giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong Un trong vòng 1 năm qua, song là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên, hai nước đối địch trong hàng thập niên qua, gặp gỡ tại Panmunjom kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc với Hiệp định đình chiến năm 1953.
Chỉ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ, song cuộc gặp, với sự kiện Tổng thống Mỹ bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên sang phần lãnh thổ Triều Tiên, và cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi trên đất Triều Tiên, được đánh giá có ý nghĩa hết sức đặc biệt và mang tính biểu tượng cao.
Cuộc gặp này được dư luận ở cả hai miền Triều Tiên, Mỹ và nhiều nước đánh giá là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Hai nhà lãnh đạo chào đón nhau một cách nồng ấm, thân thiện và bày tỏ thích thú với việc tiếp xúc với phái đoàn tùy tùng của nhau. Ông Trump thậm chí gợi ý rằng hai bên có thể tiếp nối cuộc gặp này bằng một chuyến thăm của ông Kim Jong Un tới Nhà Trắng. Và nếu điều này diễn ra, thì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ.
Theo thông báo, cuộc gặp trong gần một giờ đồng hồ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, sự kiện được tổ chức chỉ sau một ngày lên kế hoạch, đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hai bên nhất trí tái khởi động đàm phán hạt nhân, trước hết là đối thoại cấp chuyên viên trong 2-3 tuần tới.
Những gì diễn ra trong cuộc gặp có thể coi như một minh chứng cho việc hai nhà lãnh đạo vẫn có “mối quan hệ tốt” như nhiều lần ông Trump đã phát biểu với báo giới. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump đã gọi “đây là một ngày lịch sử trọng đại" còn nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có những phát biểu “bóng gió” ca ngợi Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Trump đã thể hiện sự quyết định và sẵn sàng xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ và cùng ông mở ra một tương lai mới.
Giới phân tích tỏ ra lạc quan khi đánh giá tình hình sau cuộc gặp, nhất là trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa hai bên đang đình trệ với những động thái từ cả Bình Nhưỡng và Washington được cho là gây sức ép đối với nhau, trong đó các vụ Triều Tiên thử vũ khí chiến thuất tầm ngắn mà Mỹ tuyên bố là phóng tên lửa đạn đạo, hay việc Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Việc tổ chức cuộc gặp bất ngờ này nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc phần nào cho thấy thiện chí, nỗ lực và quyết tâm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giải quyết vấn đề hạt nhân bằng cách thức đối thoại. Cuộc gặp dù là “chớp nhoáng” song chí ít cũng có thể giúp nối lại các mối quan hệ cũng như các cuộc đàm phán trong tương lai, đặc biệt là khi quan hệ Mỹ-Triều đã không còn quá căng thẳng như thời điểm cách đây gần 2 năm.
Với việc hai nhà lãnh đạo nhất trí nối lại đối thoại, tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có vẻ như đã được đưa trở lại đúng hướng. Trong 4 tháng qua kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, căng thẳng giữa hai quốc gia luôn trong trạng thái bùng nổ trở lại sau khi hai bên không thể đạt được nhất trí về lộ trình phi hạt nhân hóa.
Cuộc gặp có thể tạo ra một lực đẩy mới cho “cỗ xe” đàm phán đang “sa lầy” trong những căng thẳng và hoài nghi giữa Mỹ và Triều Tiên. Đối với cá nhân Tổng thống Trump vừa tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020 và cả nhà lãnh đạo Triều Tiên, một cam kết nối lại đàm phán hạt nhân vào lúc nào đều có thể coi như “bàn thắng”.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã hoan nghênh cuộc gặp Mỹ-Triều tại DMZ cho rằng cuộc gặp này sẽ có thể đưa tình hình bán đảo Triều Tiên đi theo chiều hướng tích cực, góp phần củng cố lòng tin vững chắc.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc chỉ ra rằng đối thoại một cách liên tục là cách duy nhất, thiết thực nhất để đạt được hòa bình. Với vai trò như “cầu nối” đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Panmunjom góp phần gia tăng uy tín của chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Đương nhiên cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên tại Panmunjom không phải là “bảo chứng” về khả năng đột phá trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, song có thể coi đây như một “lời cam kết” của hai bên về thiện chí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Trong vấn đề hạt nhân khó giải quyết và phức tạp này, các bên, nhất là Mỹ và Triều Tiên cần thực sự tin tưởng lẫn nhau.
Chỉ khi có được niềm tin, các bên mới có thể cùng nhau hành động. Ít nhiều bằng cuộc gặp bất ngờ giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Panmunjom, hai bên có thể xây dựng lại lòng tin đã bị sứt mẻ thời gian qua, để có thể cùng tìm ra giải pháp thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo Baotintuc