-Buồn phiền vì cha qua đời, bản thân hai chị em đi kêu oan khắp nơi không được, người chị xuống tóc đi tu. Gần hai mươi năm sau, oan ức của họ mới được gột rửa.
Ngày 6/11, TAND Cấp cao tại TP HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm, xem xét yêu cầu TAND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) tăng mức bồi thường oan sai của chị Phan Thị Kim Phụng (37 tuổi) và chị gái Phan Thị Tuyết Loan (41 tuổi).
Theo nội dung vụ án, tháng 8/1998, UBND huyện Tháp Mười cưỡng chế thu hồi hồi 5.000 m2 đất ruộng, vườn và thổ cư của ông Phan Văn Bình (cha ruột hai chị) để xây trung tâm thương mại. Cho là phần đất này nằm ngoài quy hoạch, chị em Phụng phản đối và bị bắt giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Bà Loan tại tòa
Cuối năm 2000, TAND huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) xử sơ thẩm, tuyên Phụng (lúc đó 19 tuổi) một năm tù, Loan (24 tuổi) 9 tháng tù treo. Sau đó, hai chị em kháng cáo kêu oan.
Tháng 3/2001, TAND tỉnh Đồng Tháp xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm do nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Hai năm sau, Công an huyện Tháp Mười đình chỉ điều tra vụ án với lý do "chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm với xã hội".
Khi đó, chị Phụng bị giam 282 ngày, còn người chị là 2 tháng. Sau nhiều năm hai chị em đi kêu cứu khắp nơi không được, lại buồn vì người cha qua đời, chị Loan xuống tóc đi tu, ủy quyền cho chị Phụng tiếp tục hành trình kêu oan.
Tuy nhiên tới 10 năm sau tỉnh Đồng Tháp và Trung ương kiểm tra lại và xác định gia đình chị Phụng bị oan bởi đất này không nằm trong quy hoạch. UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Tháp Mười bồi thường việc thu hồi đất ngoài quy hoạch cho gia đình Phụng hơn 5 tỷ đồng. Công an huyện cũng ra quyết định đình chỉ điều tra với hai chị em chị Phụng vì "hành vi không cấu thành tội phạm".
Cuối năm 2015, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử theo thủ tục tái thẩm, xác định chị em Phụng, Loan vô tội. Tháng 10/2016, TAND huyện Tháp Mười tổ chức xin lỗi công khai chị Tuyết Loan, Kim Phụng cùng người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, cơ quan này chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần, mất thu nhập và chi phí đi kêu oan cho chị Phụng là hơn 215 triệu đồng, chị Loan 68 triệu đồng.
Không đồng ý, hai chị em Phụng, Loan khởi kiện ra tòa. Chị Phụng yêu cầu bồi thường thêm các khoản tổn thất về sức khỏe, thu nhập bị mất trong thời gian bị giam và đi kêu oan tổng cộng hơn 1,6 tỷ đồng. Tương tự, chị Loan yêu cầu bồi thường hơn 700 triệu đồng.
Tháng 3/2017, TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của hai chị em chị Phụng, tuyên buộc TAND huyện Tháp Mười bồi thường cho chị Phụng tổng cộng 219 triệu đồng và người chị 68 triệu đồng. Không đồng ý, họ tiếp tục kháng cáo.
Sau khi xem xét, nhận thấy nguyên đơn không đưa ra được các chứng cứ chứng minh về khám chữa bệnh, hay thu nhập thực tế bị sụt giảm... Việc cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của pháp luật tính mức bồi thường cho các đương sự là có căn cứ nên HĐXX tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Xin lỗi công khai ba mẹ con bị đeo án oan giết cha
TAND tỉnh Điện Biên xin lỗi công khai 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) về những oan sai trong vụ án chồng bà Nga bị tử vong.
Truy tố oan sai, VKSND Biên Hòa xin lỗi một nữ kế toán
VKSND TP Biên Hòa đã tổ chức xin lỗi công khai đối với bà Trịnh Thị Nghị, người bị truy tố oan về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Lái tàu bị oan trong vụ cầu Ghềnh được bồi thường thêm 154 triệu đồng
Phụ tàu trong vụ tai nạn cầu Ghềnh khiến 24 người thương vong được bồi thường oan sai thêm hơn 154 triệu đồng, nâng tổng số tiền được bồi thường lên gần 503 triệu đồng.
Đoàn Nga