Tới cuối phiên giao dịch 18/7, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang giảm thêm 5.000 đồng xuống 75.800 đồng/cp và hiện đang ở ngay đáy thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Trong 10 phiên vừa qua, cổ phiếu MSN giảm 8/10 phiên và chỉ tăng 1 phiên duy nhất.

Tính từ cuối tháng 5 tới nay, MSN giảm tổng cộng gần 17% từ mức trên 91.000 đồng/cp xuống 75.800 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của Masan bốc hơi hơn 18,5 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 800 triệu USD).

MSN của ông Nguyễn Đăng Quang giảm mạnh trong bối cảnh tập đoàn này phát hành 5,8 triệu cổ phiếu ưu đãi ESOP cho cán bộ công nhân viên với giá công bố là 10.000 đồng/cp, chỉ bằng khoảng 1/9 so với giá lúc đại hội thông qua.

Cũng theo quy định của MSN, người được mua cổ phiếu ESOP có thể bán ra ngay sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký niêm yết, giao dịch bổ sung, tức là có thể thu khoản lời ngay lập tức, tổng cộng lên tới vài trăm tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, Masan đã vài lần phát hành cổ phiếu ESOP với mục đích để khuyến khích người lao động. Theo dự kiến, 5,8 triệu cổ phiếu ESOP vừa được phát hành sẽ được giao dịch trên thị trường vào ngày 23/7/2019. 

{keywords}
Tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang.

Trước đó một thành viên khác của Tập đoàn Masan là Masan Consumer (MCH) cũng thông báo phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên công ty với giá phát hành 70.000 đồng/cổ phiếu, cũng thấp hơn khá nhiều so với giá trên thị trường.

Hồi tháng 6, Masan Consumer của tỷ phú nước mắm và tương ớt cũng đã thực hiện chia cổ tức tỷ lệ 45% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 4.500 đồng/cp.

Mặc dù tỷ lệ cổ tức cao nhưng số lượng cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông bên ngoài tại Masan Consumer khá ít, chủ yếu vẫn là Tập đoàn Masan và các công ty liên quan của nhà vợ chồng tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang và Nguyễn Hoàng Yến (hơn 95%).

Thống lĩnh thị trường, doanh thu 2 mảng chính nước chấm và tương ớt của Masan tăng mạnh trong năm vừa qua lên hơn 7 ngàn tỷ đòng. Trong báo cáo thường niên 2017, Masan nắm giữ khoảng 70% thị phần mảng này.

CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF), một công ty cháu chắt của Tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang cũng vừa công bố kế hoạch lãi ròng 650-750 tỷ đồng năm 2019 và chia cổ tức tỷ lệ 240% cho năm 2018.

Vinacafé Biên Hòa tiếp tục là một trong số ít hiếm hoi các doanh nghiệp chia cổ tức khủng đến như vậy. Tuy nhiên, hầu hết các cổ đông nhỏ lẻ không có phần trong cỗ máy in tiền này bởi Công ty TNHH Một Thành viên Masan Beverage (“MSB”), một công ty con của Masan Consumer đang nắm tới 98,49% cổ phần VCF.

Ông Nguyễn Đăng Quang được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 4 Việt Nam. Đại gia gốc Quảng Trị kín tiếng nhưng có các sản phẩm hiện diện hàng ngày trong mâm cơm gia đình Việt.

Hồi đầu tháng 3, Tạp chí Forbes 3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, ghi danh ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD Việt mới với tài sản đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.

Theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Ông Quang là tỷ phú tự thân, có 3 con.

Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.

Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN)…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tăng khá mạnh trở lại với dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh như: MBBank, HDBank, Vietinbank, Eximbank, Vinamilk, Vietcombank…

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường như: Sabeco, GAS, PVD, Hòa Phát, Bảo Việt…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo MBS, thị trường đã có 3 tuần tăng liên tiếp và thanh khoản cũng liên tục tăng lên, một dấu hiệu cho thấy đà tăng đã thật sự lôi kéo được dòng tiền mới vào tham chiến, chừng nào dòng tiền chưa có dấu hiệu đạt đỉnh thì đà tăng hiện tại vẫn còn tiếp diễn. Điểm tích cực lúc này là dòng dẫn dắt như ngân hàng, bán lẻ, Vingroup, thực phẩm,…đã có sự luân phiên đổi vài trò dẫn dắt thành công.

Sau phiên chốt lời trên diện rộng hôm qua, dòng ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, thậm chí VCB còn có đỉnh cao mới cho thấy thị trường đang có những dấu hiệu khỏe. Mùa báo cáo bán niên đang ở giai đoạn đầu và những doanh nghiệp lớn có kết quả khả quan sẽ xuất hiện dần dần trong tuần sau, thị trường theo đó sẽ có thêm dư địa tăng trưởng. Cơ hội vượt đỉnh ngắn hạn tháng 5 (khu vực 990 điểm) lại được nhen nhóm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, VN-Index tăng 6,29 điểm lên 982,34 điểm; HNX-Index tăng 0,33 điểm lên 107,07 điểm và Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 57,54 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.

V. Minh