TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa xử lý gắp mảnh xương gà bị bỏ quên trong phế quản suốt hơn 2 năm cho bà N.T.T. (62 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM).
Theo đó, bà T. nhập bệnh viện trong tình trạng tức ngực, ho dữ dội. Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, các bác sĩ đã chỉ định chụp CT-Scan với nghi ngờ dị vật đường thở bỏ quên. Kết quả, phát hiện dị vật nằm trong phế quản bên trái.
Ngay lập tức, bà T. được phẫu thuật nội soi, gắp dị vật là mảnh xương gà dài 1,5cm ra ngoài.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân giảm hẳn triệu chứng ho. Hiện sức khỏe bà đã ổn định và được xuất viện.
Tại buổi họp báo, bà T. kể lại, cách đây 2 năm, trong lúc ăn cháo gà bất ngờ ho và bị sặc. Tuy nhiên, sau khi ho bà không thấy triệu chứng gì nên bỏ qua. Sau 2 tháng, cơn ho bắt đầu kéo dài dai dẳng.
“Trong vòng 2 năm, tôi đi nhiều bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán hen phế quản, trào ngược dạ dày. Thời điểm đó, bác sĩ điều trị kháng sinh, giảm viêm.
Sau khi uống thuốc, tôi thấy đỡ được một thời gian nhưng hết thuốc lại tái đi tái lại nhiều lần. Cách đây 2 tuần, tôi ho dữ dội tưởng chết, con tôi đưa vào đây khám và được các bác sĩ phát hiện có dị vật đường thở”, bà T. chia sẻ.
Bà T. vui mừng trò chuyện cùng bác sĩ vì đã điều trị cơn ho kéo dài suốt hơn 2 năm vì mảnh xương gà trong phế quản. Ảnh: L.Anh |
Theo bác sĩ Minh, trong vòng 5 năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 22 trường hợp dị vật đường thở bỏ quên.
Dị vật đường thở có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ có nhiều biến chứng như: viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí màng phổi… thậm chí tử vong.
Ông Minh nhấn mạnh, trường hợp của bà T. là ca bệnh khó phát hiện, bệnh nhân lại lớn tuổi, có nhiều bệnh nền. Tuy nhiên, may mắn, bà T. đã được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời nhằm giải quyết tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp và không để lại di chứng.
Bác sĩ Minh cũng lưu ý, khi ho sặc, nghi nuốt phải dị vật, người dân cần đến cơ sở y tế để được xử lý ngay lập tức. Bởi, dị vật bỏ quên sẽ khiến bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
“Quan trọng nhất là khi thăm khám, với những triệu chứng nghi ngờ dị vật, bác sĩ phải thăm hỏi tiền sử bệnh nhân kỹ càng để kịp thời phát hiện. Dị vật đường thở hay gặp nhất là ở trẻ em từ 12-24 tháng, chiếm 80%, người lớn chiếm 20%”, bác sĩ Minh thông tin.
Bác sĩ Minh cũng cho biết, dị vật thường có 2 loại vô cơ và hữu cơ. Vô cơ là các loại đồ chơi, hữu cơ là các loại hạt, xương cá…
“Hóc hạt đậu phộng nguy hiểm hơn đồ chơi, vì đậu phộng có chất dầu gây viêm nhiễm tại chỗ” bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Liên Anh
Đau bụng 10 ngày mới biết bị xương cá đâm thủng ruột
Bệnh nhân đau bụng 10 ngày mới vào bệnh viện, bác sĩ phát hiện có mảnh xương đâm thủng ruột non.