Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài mở cửa sáng 27/3 giảm thêm 2.700 đồng, xuống 65.300 đồng/cp. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong gần 3 năm qua.
Tính trong khoảng gần 6 tháng qua, cổ phiếu MWG đã giảm khoảng 48% từ mức gần 130 ngàn đồng (giá điều chỉnh) xuống mức 65.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa thị trường của Thế Giới Di Động cũng bốc hơi gần 30 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD).
Ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận túi tiền bốc hơi khoảng hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu Thế Giới Di Động giảm giá bất chấp doanh nghiệp này công bố kế hoạch kinh doanh 2020 vẫn khá ấn tượng, với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh tương ứng 18% và 26% so với 2019 lên 122 ngàn tỷ đồng và 4,84 ngàn tỷ đồng.
Hơn thế, các lãnh đạo của MWG liên tiếp đăng ký mua vào trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá sâu và doanh nghiệp lên kế hoạch đẩy mạnh bán hàng và đàm phán lại chi phí mặt bằng... nhằm giảm tác động của dịch Covid-19.
Cổ phiếu MWG tiếp tục giảm giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn khi mà cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, người lao động cũng đối mặt với khả năng mất việc, giảm lương,...
Nhiều cổ phiếu bán lẻ chịu áp lực giảm mạnh sau lệnh đóng cửa tại những điểm dịch lớn. |
Thế Giới Di Động vừa thông qua quyết định sẽ tạm thời đóng cửa một số cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tại các cùng có dịch trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, hồi giữa tháng 3, cổ phiếu MWG từng chịu áp lực bán mạnh sau khi doanh nghiệp này đóng siêu thị Điện Máy Xanh có nhân viên nhiễm Covid-19 do có 2 du khách người Anh dương tính Covid-19 đã ghé qua mua hàng.
Hồi đầu tháng 2, MWG cũng đã chủ trương chậm lại kế hoạch mở rộng để theo dõi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp này đang đảy mạnh bán hàng online và đàm phán giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh để giảm chi phí.
Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp bán lẻ có chuỗi cửa hàng lớn có thể cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các nỗ lực chống dịch. Trong đó có thể kể đến những cái tên như PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, FPT Retail của ông Trương Gia Bình, Vinmart của Masan,...
PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Theo kế hoạch gần nhất, PNJ vẫn dự kiến mở thêm 31 cửa hàng, đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 13% trong năm 2020. Cổ phiếu này hiện cũng đang ở đáy hơn 2 năm.
FPT Retail (FRT) cũng giảm như vậy, nhưng còn giảm mạnh hơn. Sáng 27/3, FRT tiếp tục giảm sàn sau khi đã giảm sàn 6,6% trong phiên hôm qua. Cổ phiếu này ở mức thấp nhất kể từ khi lên sàn hồi cuối tháng 4/2018, hiện còn 11.200 đồng/cp so với mức khoảng 85.000 đồng/cp khi mới lên sàn (giá điều chỉnh).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index sáng 27/3 giảm nhẹ bất chấp chứng khoán Mỹ và thế giới tăng mạnh sau quyết định bơm tiền kỷ lục hàng ngàn tỷ USD của Mỹ.
Giới đầu tư lo ngại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trên thế giới và cả Việt Nam và việc Mỹ bơm tiền lớn lên tới nhiều ngàn tỷ USD có thể ảnh hưởng tới các nước.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo BSC, hai phiên tăng điểm liên tiếp đã phần nào giải tỏa tâm lý lo sợ của nhà đầu tư, nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường và chỉ số chưa thoát khỏi kênh giảm giá ngắn và trung hạn, nhà đầu tư nên giữ chiến lược phân bổ tỷ trọng danh mục hợp lý.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/3, VN-Index tăng 3,96 điểm lên 694,21 điểm; HNX-Index giảm 2,28 điểm xuống 97,81 điểm. Upcom-Index giảm 0,53 điểm xuống 49,00 điểm. Thanh khoản đạt 4,4 ngàn tỷ đồng
V. Hà