Cách làm hay, không nhiều
Qua một học kỳ triển khai Thông tư 30 về kiểm tra đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học bằng nhận xét, giáo viên trên cả nước vẫn khá lo lắng về áp lực sổ sách quá nhiều.
Từ sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc, học bạ, giáo án, sổ dự giờ,…sổ nào cũng cần viết. Trên các diễn đàn giáo dục, giáo viên chụp cả ảnh buổi trưa với tập vở cao ngất phải nhận xét và có hàng ngàn chia sẻ, bình luận bức xúc vì áp lực này. Thậm chí “ông 30” còn đi vào thơ, bài vè.
Những sáng kiến, cách làm hay nhằm giảm áp lực sổ sách này lại không nhiều.
Tập huấn Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học tại Nghệ An. Ảnh: Hạ Anh |
Tinh thần của Thông tư 30 đã rất mở, giao quyền chủ động cho nhà trường và các giáo viên. Sổ theo dõi chất lượng thay cho sổ điểm trước đây cần được hiểu là sổ để cô theo dõi tình hình học tập của học sinh. Ghi không phải để đối phó cấp trên, chỉ cần các cô hiểu và diễn giải được tình hình của bất kỳ em nào khi có ai đó hỏi là được.
Để giám áp lực ghi chép, bớt đi những lời nhận xét sáo rỗng thiết nghĩ thầy cô có thể nghĩ ra những ký hiệu riêng mã hóa cho lời nhận xét. Có thể là dấu mũi tên đi lên, đi xuống, hay dấu sao,…Mỗi cô một cách ghi, cách hiểu, sẽ không ai giống ai. Cuối hay đầu sổ chỉ cần dán một bảng giải mã các ký hiệu đó là được.
Như vậy cô sẽ tập trung dạy các con. Hiệu trưởng, phòng GD-ĐT về kiểm tra cũng đủ tự tin để nói được trò có năng lực này, tiến bộ kia hay điểm gì cần cố gắng. Chưa yên tâm có thể trực tiếp hỏi các trò khác để kiểm tra.
Để làm được điều này, điều cần nhất là mong lãnh đạo phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT cởi mở và cần thiết ra chỉ đạo để giáo viên được làm.
Cũng có giáo viên muốn làm, nhưng…
Tới nhiều trường tiểu học mới thấy không phải không có các giáo viên muốn làm. Nhưng phòng, sở không có văn bản thì cứ rập khuôn mà làm. Sổ nào cũng phải ghi thật đầy đủ, bài nào cũng nhận xét cho hết học trò. Thế nên có cô than phải thức đến 1-2 giờ sáng cũng chẳng hiếm.
Trong những lần trực tiếp trao đổi với giáo viên và hiệu trưởng, lãnh đạo các phòng GD-ĐT, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ với khó khăn của cô.
Ông cũng chia sẻ cách làm với giáo viên khi cho rằng tại sao cô không chấm chữa mẫu và hướng dẫn học trò nhận xét chéo nhau, tự sửa lỗi trong vở của bạn mà cứ ôm việc về mình. Vai trò của phụ huynh cũng không được các giáo viên nói đến.
Cô có thể thống nhất với phụ huynh nếu vở của con, sổ của con hôm nay mang về cô không ghi gì nghĩa là hoàn thành, là đạt thay vì cứ phải ghi dạng như “con làm tốt, cô khen” sáo rỗng, nhàm chán. Cuối tuần, cuối tháng cô đề nghị phụ huynh cùng tham gia đánh giá vở và học tập của con.
“Có lần xuống cơ sở, thấy vở của học sinh bài nào cô cũng chấm chữa và nhận xét -tôi hoảng quá. Như vậy cô giáo thời gian đâu lo dạy học. Ngày 24 tiếng chứ hơn cũng không đủ để cô lo ghi nhận xét học trò” – lời ông Tiến.
Sổ theo dõi chất lượng của giáo viên theo ông chỉ ghi những gì còn hạn chế với cá nhân hoặc thật nổi bật của trò. Cô có thể mã hóa lời nhận xét, miễn sao đừng quá rắc rối và cô hiểu được những gì mình ghi. Chuyện giáo án cũng không nên quá nặng nề, dài dòng. Sổ dự giờ cũng chỉ cần ghi bài học kinh nghiệm là được,…
Theo ông Tiến: “Chỉ khi nào thầy cô thấy thực sự việc đánh giá học sinh là vì sự tiến bộ của học trò và việc đánh giá trở nên linh hoạt, nhẹ nhàng thì chất lượng giáo dục mới được nâng lên”.
Văn Chung