Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dường như đang là lý do tốt để Mỹ hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Một phần hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc ngày 6/3. Ảnh: Yonhap |
Sputnik dẫn nhận định của nhà phân tích chính trị Alexei Fenenko, Phó giáo sư tại khoa Chính trị Thế giới, Đại học Quốc gia Moskva cho biết: “Người Mỹ đang cố đạt được những thứ đơn giản [ở châu Á]. Đầu tiên, họ quá cần cuộc xung đột quanh Triều Tiên bởi vì họ lấy nó làm lý do cho sự hiện diện quân sự ở bán đảo Triều Tiên. Thử hình dung khi Triều Tiên không còn là vấn đề nữa, những lý do chính đáng Mỹ có để ở đó là gì?”.
“Họ cũng cần sự đối đầu để duy trì sự hiện diện quân sự ở Nhật Bản. Một lần nữa họ sẽ sử dụng những cuộc phóng mới nhất để ủng hộ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở Nhật Bản dù Trung Quốc đang phản đối THAAD ở Hàn Quốc”, nhà phân tích Fenenko nói.
Theo nhà phân tích Fenenko, Triều Tiên dùng những cuộc phóng thử này để buộc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức các cuộc đàm phán, hỗ trợ tài chính, nhân đạo.
Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Vladimir Evseev cho rằng, các cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên không phải là điều gây bất ngờ bởi là sự phản ảnh những chính sách mà cả Bình Nhưỡng và Seoul vẫn theo đuổi trong mấy thập kỷ qua.
“Cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul đều không thay đổi chính sách của họ. Bình Nhưỡng không sẵn sàng nhân nhượng... Cùng lúc đó, họ lại cố có được sự ủng hộ của Bắc Kinh do áp lực lớn từ bên ngoài. Tuy nhiên, nghĩ mọi thứ đều do Triều Tiên là không khôn ngoan, vì Hàn Quốc cũng đang làm điều nước này vốn thực hiện và cũng không chịu nhân nhượng”, nhà phân tích đánh giá.
Theo Evseev, Washington đang góp phần làm leo thang căng thẳng bán đảo Triều Tiên.
“Washington không cố đóng vai trò trung gian giảm căng thẳng. Mỹ đang cố ủng hộ Hàn Quốc và kết quả là khuyến khích Seoul leo thang căng thẳng. Những hoạt động này không mang lại kết quả. Trong những tình huống như hiện nay, tôi không loại trừ việc những sự cố quân sự có thể xảy ra dọc khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên. Chính quyền ông Donald Trump không khác gì chính quyền tiền nhiệm trong cách tiếp cận này”, nhà phân tích nói.
Theo các chuyên gia, xu hướng căng thẳng hiện nay sẽ không thay đổi. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục gia tăng áp lực với Triều Tiên, trong khi Triều Tiên sẽ có những hành động chọc tức đáp trả.
Theo Baotintuc