“Em muốn làm gì khi lớn lên?” - Đó là câu hỏi mà chàng trai Huỳnh Hồ Quang – một sinh viên nhiếp ảnh 26 tuổi đặt ra cho 10 đứa trẻ đang sống ở trung tâm TP.HCM.
Hầu hết những đứa trẻ trong bộ ảnh của Quang đều là những đứa bé sinh ra trong gia đình nghèo khổ và khó khăn. Có đứa sống trong những gia đình đông anh em với những khoản thu nhập ít ỏi. Có đứa cha mẹ đau ốm, nghèo khó đến mức suy dinh dưỡng. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, chúng vẫn có những ước mơ như bao trẻ em khác. Các em muốn trở thành giáo viên, nhạc sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, bác sĩ để giúp đỡ gia đình.
Là người Việt Nam, hiện Huỳnh Hồ Quang đang học tại Raffles College of Design and Commece, Australia. Anh chụp lại hình ảnh của mỗi đứa trẻ trong một bối cảnh riêng, miêu tả những ước mơ của chúng lồng ghép với hoàn cảnh thực tại nhiều gai góc.
“Ở đất nước tôi, tôi đã thấy nhiều trẻ em hằng ngày đi bán vé số, bán cà phê, đánh giày, nhặt rác. Chúng ta nhìn thấy cuộc sống của bọn trẻ, nói về nó nhưng lại không làm gì cả, thậm chí là không muốn biết về chúng” – Quang viết trong một email gửi tới tờ Huffington post.
Bộ ảnh được đăng trên Huffington post gồm 10 bức, mỗi bức là câu chuyện về một đứa trẻ nghèo.
|
Uyên nói: “Em chỉ muốn mẹ vui. Em muốn học đến khi nào không thể nhìn thấy gì nữa”. |
Nguyễn Lâm Thảo Uyên năm nay 10 tuổi, đang học lớp 5. Mẹ em có thị lực kém, gần như mù lòa từ khi còn nhỏ. Không thể làm việc, bà phải ở nhà. Uyên cũng mắc bệnh giống mẹ. Mặc dù mơ ước của mình không thể thực hiện được nhưng bà vẫn hi vọng cô con gái sẽ mạnh mẽ hơn mình. Bố Uyên là tài xế taxi. Làm việc cả ngày nhưng ông vẫn không kiếm đủ tiền nuôi đại gia đình 15 người đang sống trong một căn hộ chỉ rộng 30 m2.
|
Thông nói: “Ước mơ của em là xây một ngôi nhà cho những người nghèo như em và giúp họ tự xây nhà cho mình”. |
Nguyễn Hoàng Thông đang học lớp 5. Mẹ em làm nghề giúp việc. Bố em từng phục vụ trong quân đội nhưng do bị thương, ông không thể làm việc sau chiến tranh. Vì thế thu nhập của gia đình Thông rất hạn hẹp và không ổn định. Thông sống cùng cha mẹ và chị gái trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh một cây cầu.
|
Ánh nói: “Mơ ước của em là trở thành giáo viên để dạy và giúp đỡ những trẻ em bất hạnh như em”. |
Nguyễn Nhật Ánh đang học lớp 4. Đã 10 tuổi nhưng em chỉ năng 25 kg do suy dinh dưỡng. Em đang sống cùng bà và không liên lạc được với cha mẹ. Cuộc sống vô cùng khó khăn với hai bà cháu khi bà đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe yếu. Bà chỉ kiếm được chút tiền từ việc dọn dẹp cho người khác. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, Ánh vẫn học tập chăm chỉ và nhiều năm liền là học sinh xuất sắc. Khi nào có thời gian rỗi, Ánh đều giúp bà làm việc nhà.
|
Quyên nói: “Gia đình cháu rất nghèo. Cháu phải cố gắng học chăm chỉ để xây lại căn nhà này khi cháu lớn lên”. |
|
|
Quyên và Ngân đều là những đứa trẻ sống cùng ông bà – những người đã không còn khả năng lao động. Gia đình 4 người này sống nhờ lương hưu của ông bà – một số tiền quá ít ỏi để nấu một bữa ăn cho 4 người. Tương lai của bọn trẻ rất mờ mịt.
|
Hải nói: “Cháu muốn có một cửa hàng cắt tóc của riêng mình để giúp đỡ gia đình”. |
Lâm Tuấn Hải đang học lớp 5. Cậu bé đang sống cùng 14 thành viên khác trong một căn hộ nhỏ tái định cư. Sau khi anh trai Hải tốt nghiệp cấp 3, cậu dự định sẽ đi làm để giúp đỡ gia đình. Ông bà đã già của Hải cũng phải đi bán cà phê để kiếm tiền.
|
Tài nói: “Cháu muốn đi học để trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ”. Tài
muốn mẹ mãi mãi ở bên mình vì cậu bé không còn ai thân thích. |
Trần Văn Tài 11 tuổi. Em sống cùng người mẹ thường xuyên đau yếu. Chị đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Bố em mất cách đây không lâu. Họ đang thuê một căn phòng nhỏ tồi tàn để sống. Sức khỏe yếu, chị vẫn cố hết sức làm lụng để nuôi Tài chỉ mong cậu bé học hành chăm chỉ. Chị không dám mơ ước gì nhiều nhặn. Tài là một cậu bé ngoan và rất thương mẹ.
|
Tiên nói: “Cháu muốn trở thành một ca sĩ hát những bài hát dân ca”. |
Trương Trần Thủy Tiên đang học lớp 3. Kể từ khi bố mẹ ly hôn, Tiên sống cùng mẹ và ông ngoại. Số tiền lương ít ỏi của người mẹ đang làm việc cho một siêu thị không đủ để nuôi sống gia đình và đảm bảo việc học hành cho Tiên.
|
Dũng nói: “Mẹ em phải đi bộ hằng ngày trên nhiều con đường cả ngày lẫn
đêm. Em chỉ muốn bảo vệ mẹ khi mẹ đi bán vé số nuôi chúng em. Em rất yêu
mẹ”. |
Trần Quốc Dũng và Trần Thị Mỹ Trinh là hai chị em, học cùng trường tiểu học. Chúng sống cùng mẹ ở chợ Đa Kao vì không có nhà. Buổi tối, họ ngủ trên những tấm gỗ trong một gian hàng ẩm ướt. Người mẹ bị bệnh huyết áp cao mãn tính, không thể làm việc nặng. Hằng ngày chị đi bán vé số. Ngày nào ốm, Dũng và Trinh phải thay chị làm công việc này. Không đủ tiền ăn, chị phải nhịn đói nhường cơm cho con.
|
Huy nói: “Cha em có một ước mơ là có một cửa hàng sửa xe máy. Khi lớn lên, em muốn thực hiện ước mơ của cha”. |
Nguyễn Ngọc Huy đang học lớp 2. Cha Huy là cựu chiến binh, ông bị thương trên chiến trường Campuchia. Sau khi trở về Việt Nam, ông là dân phòng. Nghề chính của ông bây giờ là gói bánh tét cho vợ đi bán ngoài chợ. Mẹ Huy ngày càng già yếu và bị đau chân khiến chị làm việc khó khăn hơn.
Nguyễn Thảo (Theo Huffington Post)