Cứ vào dịp tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma, anh Trần Văn Hiệp, em trai của liệt sĩ Trần Văn Phương (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) lại bồi hồi xúc động. Năm nào cũng có nhiều đồng đội và chính quyền về trước phần mộ của liệt sĩ Phương tại nghĩa trang phường Quảng Phúc cùng thắp hương tưởng nhớ.

img 3219.jpg
Chính quyền thị xã Ba Đồn và Ban Liên lạc cựu binh Gạc Ma tổ chức gắn tên đường mang tên anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương. Ảnh: CTV

Sáng 14/3 năm nay có một sự kiện còn đặc biệt hơn, đó là việc tên liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt cho một tuyến đường ngay tại phường Quảng Phúc.

Theo anh Hiệp, tuyến đường gắn liền với tuổi thơ của hai anh em. Một người em trai khác của liệt sĩ Phương ở tận TP.HCM là Trần Văn Hồng cũng kịp trở về để dự buổi lễ.

Tuyến đường mang tên người anh hùng Gạc Ma nằm ở tổ dân phố Mỹ Hòa, chạy dài khoảng một cây số dọc bờ sông Gianh dẫn ra cửa biển.

Theo chính quyền địa phương, tuyến đường này được chọn gắn tên liệt sĩ Trần Văn Phương vì đường hướng từ phía nhà của liệt sĩ Phương chạy ra hướng biển như một gạch nối giữa nơi sinh và nơi anh đã ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma.

img 3218.jpg
Lễ thả bè hoa và thắp 64 ngọn hoa đăng trên dòng sông Gianh tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: CTV

Với những người dân nơi đây, cái tên Thiếu úy Trần Văn Phương đã quá thân thuộc. "Đây là vinh dự và cũng là sự tri ân với liệt sĩ Trần Văn Phương, cũng là niềm tự hào chung của người dân Quảng Phúc", ông Nguyễn Văn Tình, tổ dân phố Mỹ Hoà nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thống, cựu binh Gạc Ma (quê ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) thì đây là lần đầu tiên có con đường mang tên anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. 

Cách đây 36 năm, liệt sĩ Trần Văn Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển khơi trong cuộc chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma (14/3/1988). Trước lúc hy sinh, anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương đã có câu nói bất hủ trong lịch sử Hải quân Việt Nam: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.