Xuất thân trong gia đình quyền quý triều Nguyễn, cô ruột là vợ của vua Duy Tân, ở tuổi 84, bà Mai Thị Trà vừa trở thành thành viên danh dự Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực đầu tiên của Việt Nam.
Hiệp hội này chính thức ra mắt hôm nay (14/9) tại TP.HCM.
Dù không nổi tiếng trước công chúng nhưng trong giới nhà hàng hay đứng bếp, bà là nghệ nhân ẩm thực ở kinh thành Huế, bà Mai Thị Trà là người “truyền đạo” ẩm thực của kinh đô cũ. Dù đã bước vào ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn còn rất tâm huyết với nền ẩm thực của kinh đô Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bà Trà kể, ngày xưa, các vị vua triều Nguyễn không chỉ có đội “ngự thiện” lo món ăn cho hoàng gia, mà còn đội ngự y tìm cách tạo ra những món ăn không chỉ ngon lành mà còn phải bổ dưỡng. Đó là nét độc đáo riêng có của Huế.
Nghệ nhân Mai Thị Trà tâm huyết với ẩm thực Huế |
“Cao lương mỹ vị” là ý chỉ các món ngon nhưng phải đồng thời cũng phải lành. Vấn đề ở đây là ẩm thực ngày nay không còn “lành” như xưa, nghệ nhân Mai Thị Trà nhận xét. “Vai trò của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực là làm thế nào để bảo vệ tính ngon lành và bổ dưỡng của những món ăn”, bà Trà nói.
Cơ hội này nay trở nên rõ ràng hơn khi Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực đầu tiên của Việt Nam bắt đầu triển khai những hoạt động đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, Huế đang có những đề án phát triển theo mục tiêu trở thành “cái nôi” của ẩm thực Việt Nam, tạo điều kiện triển khai hoạt động liên quan đến bảo tồn, quảng báo giá trị ẩm thực Việt nói chung và Huế nói riêng.
“Tổng cục Du lịch định hướng Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, trong đó ẩm thực Huế có gắng trở thành kinh đô ẩm thực của Việt Nam”, ông Phúc nói.
Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam ra mắt |
Dự kiến, Huế cũng sẽ là nơi thành lập Bảo tàng Văn hóa ẩm thực Việt Nam - bảo tàng đầu tiên của Việt Nam về chuyên đề văn hóa ẩm thực.
Đó là một trong nhiều ý tưởng mà Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đưa ra. Thành lập từ tháng 6/2017 nhưng đến nay, Hiệp hội mới chính thức đi vào hoạt động. Hiện hiệp hội có hơn 300 thành viên là tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, với đa dạng ngành nghề: chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch, kinh doanh ẩm thực hoặc thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA, trước mắt hội sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, sưu tầm, phân loại, đánh giá tài nguyên ẩm thực Việt, sau đó sẽ đẩy mạnh quảng bá ẩm thực Việt, tiến đến xây dựng giá trị riêng cho ẩm thực Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển du lịch, Hiệp hội cũng đã ký kết hợp tác với Sở Du lịch Huế và TP.HCM.
Hiện ngành du lịch chưa có một giá trị cốt lõi để trở thành kim chỉ nam cho công tác quảng bá, tiếp thị. “Ẩm thực Việt Nam là giá trị văn hóa dễ đi vào lòng người và được thế giới biết đến. Vì vậy, việc chọn và xây dựng ẩm thực trở thành thương hiệu nhằm quảng bá cho du lịch là điều rất khả thi. Tuy nhiên, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực còn hạn chế”, đại diện hiệp hội cho hay.
Dũng Nguyễn