Xuất khẩu tôm, cá sụt giảm mạnh
Nhận định hoạt động xuất khẩu tôm sẽ bứt phá trong quý IV/2023, song ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, dự đoán thành quả năm nay chỉ bằng 85-90% so với năm 2022. Theo chu kỳ, lúc này bước vào cao điểm giao hàng, đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và nhất là giá cả chưa cải thiện.
Mới đây, HĐQT của doanh nghiệp này đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 1.030 tỷ đồng, về 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 100 tỷ đồng, về 300 tỷ đồng.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với tháng 11/2022. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực và bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đã có những tín hiệu tích cực đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đó là sự phục hồi của nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và tín hiệu tích cực nhất trong các mặt hàng xuất khẩu là cá tra.
Tuy nhiên, luỹ kế 11 tháng năm 2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 8,27 tỷ USD, giảm mạnh 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu cá tra thu về 1,7 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái; tôm đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22%; cá ngừ đạt khoảng 774 triệu USD, giảm 18%; xuất khẩu các loại cá giảm 7%; mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ, cua ghẹ vẫn tăng trưởng âm từ 10-13%.
Năm ngoái, xuất khẩu thuỷ sản bùng nổ, tôm cá đua nhau lập kỷ lục lịch sử. Nhưng với diễn biến hiện nay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022, tức kim ngạch giảm khoảng 2 tỷ USD.
Theo đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái; cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%; cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%... So với năm 2022, tôm dự kiến hụt thu khoảng 900 triệu USD, cá tra ước giảm 640 triệu USD, cá ngừ tỷ USD năm nay kim ngạch xuất khẩu ước giảm 170 triệu USD.
Theo Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), lạm phát lan ra toàn cầu buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho tại thị trường Mỹ, Nhật, EU tăng,... là những nguyên nhân khiến đơn hàng xuất khẩu của ngành thuỷ sản sụt giảm mạnh.
Quý III vừa qua dù thị trường xuất khẩu đã khởi sắc, song nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lợi nhuận lao dốc. Đơn cử, CTCP Chế Biến Thủy Sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau – Camimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 74%, chỉ còn 8,8 tỷ đồng trong quý III do doanh thu thuần giảm 34%. CTCP Nam Việt báo lãi lao dốc 99% từ 120 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 1 tỷ đồng, doanh thu thuần giảm 11% xuống còn 1.099 tỷ đồng.
Thủy sản Minh Phú lỗ 26 tỷ đồng trong quý III, so với mức lãi 332 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần giảm 41% xuống dưới 3.000 tỷ đồng. CTCP Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý III giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước xuống 200 tỷ đồng.
Khó khăn kéo dài sang năm 2024
Nhận định về thị trường xuất khẩu thời gian tới, theo bà Lệ Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12 năm nay và tháng 1-2/2024. Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh và Tết.
Lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, các thương nhân không muốn bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm, vẫn yếu.
Tại Mỹ, theo dữ liệu Circana được phân tích bởi Lakeland, Florida (công ty nghiên cứu bán lẻ 210 Analytics), doanh số bán các loài thủy sản tươi và đông lạnh tiếp tục giảm vào tháng 10/2023, trong khi doanh số bán các sản phẩm có thời hạn sử dụng dài tăng.
Lạm phát thực phẩm và thủy sản nhìn chung đang giảm, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn mua ít thủy sản tươi sống và đông lạnh hơn.
Bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá bức tranh của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.
Cụ thể, tổng sản lượng toàn cầu trong nửa cuối năm 2023 có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn. Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường có tăng trưởng trong nửa cuối năm. Các thị trường lớn khác như Mỹ, EU và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm khi tồn kho giảm và các ngày lễ lớn đến gần.
Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm thường.
Về cơ hội của thủy sản Việt Nam, bà Oanh cho rằng, trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản nước ta cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp chúng ta tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển.
Nước ta đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt, bà cho hay.