Pham Tan Cong.jpg
Tổng Thư ký VINASA Phạm Tấn Công. Ảnh: Internet.

>> Xuất khẩu phần mềm: "Bám chắc" Nhật, "kết thân" châu Á / Việt Nam "tụt hạng" về độ hấp dẫn gia công phần mềm / Gia công phần mềm giúp doanh nghiệp vượt "bão" khủng hoảng

Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) Phạm Tấn Công đã chia sẻ khá nhiều ý kiến thẳng thắn về hiện trạng hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm.

“Bức tranh” xuất khẩu phần mềm của Việt Nam thời gian gần đây khá sáng sủa. Ông có đồng tình với nhận định này?

Từ năm 2011, kinh tế thế giới ở một số khu vực phục hồi rất rõ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm. Trong năm 2012, nhìn chung các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam sống khá tốt, nhất là những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trở lên, có khách hàng ở Mỹ và Nhật Bản. Đặc biệt, ở thị trường Nhật đã có một “cú hích đúp” hỗ trợ hoạt động gia công phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam. Cú hích thứ nhất là ngành CNTT của Nhật đã dần nhích lên, kéo theo nhu cầu đặt hàng gia công phần mềm ở nước ngoài, khiến cho số lượng hợp đồng gia công với khách hàng Nhật của doanh nghiệp Việt tiếp tục tăng trưởng. Cú hích thứ hai là bối cảnh quan hệ chính trị trong khu vực khiến Nhật Bản chuyển hướng từ chủ yếu đặt hàng ở Trung Quốc quay sang tìm địa chỉ thay thế. Đầu tháng 11 vừa rồi, trong Ngày CNTT Nhật Bản diễn ra ở TP.HCM, Nhật Bản đã cử 1 đoàn rất hùng hậu do Phó Chủ tịch KISA (từng 9 năm nằm vùng ở Trung Quốc) dẫn đầu sang tìm kiếm cơ hội và tìm đối tác mới tại Việt Nam. Tôi tin rằng năm nay, tăng trưởng xuất khẩu gia công phần mềm sang Nhật Bản sẽ rất tốt. Trong tương lai, kết quả sẽ ngày càng tốt hơn nữa.

Vấn đề đặt ra là khi cơ hội đến rồi, có thêm nhiều đối tác cần đặt hàng thì chúng ta phải định hình được sản phẩm chiến lược của mình, để mỗi khi nhắc đến Việt Nam thì khách hàng quốc tế sẽ nghĩ ngay tới những sản phẩm mà chúng ta có thể cung ứng tốt. Nếu ta nói cái gì cũng làm được thì thực ra chả làm được cái gì. VINASA đang cùng các đối tác nước ngoài và chuyên gia nghiên cứu để định ra chiến lược về sản phẩm cho ngành phần mềm Việt Nam, trong đó có sản phẩm trọng điểm của hoạt động xuất khẩu phần mềm.

Theo ông, đâu là sản phẩm, dịch vụ chiến lược, trọng điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam?

Trong chuỗi giá trị của hoạt động xuất khẩu phần mềm có khá nhiều công đoạn khác nhau. Nhật Bản đang dịch chuyển khá nhiều công việc từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng không phải việc gì ta cũng làm được. Vì thế, ta phải lựa chọn làm một số công việc nhất định. Đầu tiên phải kể đến dịch vụ kiểm thử phần mềm (testing). Thứ hai là dịch vụ gia công quy trình công việc (BPO) (hiện nay Philippines đang nổi lên là 1 cường quốc BPO của thế giới, đạt doanh số khoảng 10 tỷ USD, nhưng vẫn tập trung thị trường Mỹ chứ chưa phải thị trường Nhật). Mảng nội dung số chúng ta cũng có thể làm tốt.

Song song với những việc cần nhiều nhân lực như testing, nội dung số, BPO,… chúng ta nên bắt đầu tính đến những công đoạn cao hơn như nghiên cứu phát triển, chủ động làm ra những sản phẩm bán cho thị trường nước ngoài.

Nói cách khác, chúng ta cần dịch chuyển từ những nội dung công việc có giá trị gia tăng thấp lên công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Song cũng cần lưu ý những công việc có giá trị gia tăng cao hơn có thể đồng hành với rủi ro nhiều hơn. Khi chúng ta tự đầu tư làm sản phẩm, có thể sẽ không có khách hàng nào mua, và toàn bộ đầu tư của doanh nghiệp cho sản phẩm đó sẽ mất đi. Hoạt động rủi ro cao này chỉ dành cho những doanh nghiệp có khả năng sáng tạo và chấp nhận mạo hiểm.

Ở Việt Nam hiện có những doanh nghiệp nào đủ khả năng chấp nhận rủi ro, mạo hiểm như ông vừa nêu?

Hiện cũng đã có một số doanh nghiệp có khả năng như vậy. Điển hình như FPT, doanh nghiệp tiên phong của ngành phần mềm Việt Nam cả về quy mô và khả năng sáng tạo. Bên cạnh đó còn có một số doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nhỏ khác nữa.

Dù lớn hay nhỏ thì các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm đều đang đau đầu vì chuyện nhân lực. VINASA có cách nào gỡ rối?

Theo tôi, ngành CNTT và ngành Giáo dục nên cùng ngồi với nhau phân tích một cách khoa học xem thực sự cần đào tạo bao nhiêu người cho bài toán nhân lực tổng thể, làm sao để đào tạo sát với nhu cầu sử dụng, tạo được sự hợp tác tốt giữa các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng người lao động với các trường,... Đã đến lúc cần phải có một cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Trong lúc giao thời, các doanh nghiệp CNTT-TT như FPT đã có những giải pháp riêng nhưng đó chỉ là giải pháp chống đỡ tạm thời, mang tính tình huống và đối phó chứ không mang tính chiến lược.

VINASA đã từng tính đến chuyện triển khai tại Việt Nam một giải pháp đã thực hiện ở Hàn Quốc nhằm tạo sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - các chuyên viên CNTT, sinh viên CNTT, những người làm trong ngành CNTT. Mô hình rất hay, chi phí cũng không lớn, chỉ vài triệu USD. Hàn Quốc sẵn sàng tài trợ để triển khai tại Việt Nam. Nhưng rất tiếc, do vướng một số thủ tục nên không triển khai được.

VINASA sẽ tiếp tục tìm kiếm những mô hình hay đã được thực hiện ở các nước và sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, VINASA không thể làm thay cơ quan Nhà nước. Những giải pháp VINASA đưa ra cũng chỉ mang tính chất tình huống đối phó. Còn về tổng thể cần có chiến lược quốc gia về bài toán nhân lực.

Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm vẫn liên tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu tới 30%/năm và tìm được nhiều khách hàng, thị trường mới. Ông đánh giá thế nào về sự năng động của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm?

Doanh nghiệp phần mềm Việt là một trong những loại hình doanh nghiệp năng động nhất trong các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta đang nhìn thấy đâu đó những thành tích sáng láng của hoạt động xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Các doanh nghiệp rất năng động trong việc tìm thị trường. Có doanh nghiệp đi vào thị trường ngách mà rất ít người biết đến.

Nhưng phân tích kỹ “bức tranh” toàn ngành thì thấy vẫn đang thiếu một “nhạc trưởng”. Các cơ quan Nhà nước không định vị, không chỉ ra được đâu là thị trường chính, sản phẩm chính, đâu là công nghệ chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp vẫn phải tự lựa chọn hướng đi, sản phẩm cho mình, vẫn luôn tranh cãi với nhau - anh làm cho Nhật thì nói Mỹ không tốt, anh làm cho Mỹ thì nói Nhật không hay, anh làm kiểm thử thì chê anh làm phát triển, anh làm phát triển thì chê anh làm kiểm thử.

Nhìn sang ngành thủy sản chẳng hạn, các doanh nghiệp được xác định rõ sản phẩm xuất khẩu trọng điểm là tôm, cá ba sa,…, thị trường trọng điểm là Mỹ, Nhật, Châu Âu, Nga,…, và Nhà nước cũng dồn sức hỗ trợ các chi phí xúc tiến thương mại, nghiên cứu phát triển... theo định hướng của “nhạc trưởng”.

Còn ngành phần mềm vẫn đang trong tình trạng “chiến tranh du kích”, mọi người tự sáng tạo, năng động để sinh tồn. Từng doanh nghiệp thì vẫn phát triển tốt, nhưng khi ghép lại thì bức tranh manh mún, không tạo ra được bức tranh tổng thể quốc gia.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới chuyện xác định một nhạc trưởng chuyên làm chiến lược, chính sách về hoạt động xuất khẩu phần mềm nói riêng và ngành phần mềm nói chung để tránh được sự manh mún đó.

Khi chưa có “nhạc trưởng”, tại sao các doanh nghiệp không chịu liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp, tăng khả năng đạt được những hợp đồng có giá trị lớn hơn?

Vẫn đang có tình trạng doanh nghiệp lớn đề nghị cùng làm nhưng doanh nghiệp nhỏ không thèm đến vì không tin làm gì có người tốt đến mức mang tiền chia cho mình, rồi lại sợ khi làm cho doanh nghiệp lớn thì có thể bị ăn chặn hoặc bị cướp nhân viên. Văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được định hình, cần có thêm thời gian để hình thành. Có thể cần “bàn tay” của Nhà nước can thiệp để hình thành luật chơi. Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như các cơ quan Nhà nước vẫn đang bận làm những công việc khác.

Cảm ơn ông!

Cần xác định rõ nội hàm của khái niệm “Nước mạnh”

Nếu xác định trở thành “Nước mạnh” so với thế giới thì cần phải tạo được một vai trò không thể thiếu đối với thế giới. Nói cách khác, Việt Nam chỉ trở thành nước mạnh về CNTT-TT khi thế giới bị ảnh hưởng trầm trọng nếu thiếu CNTT-TT Việt Nam, giống như một đội bóng nếu thiếu cầu thủ mạnh trên sân thì toàn đội sẽ bị suy yếu, hẫng hụt.

Về lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, nếu muốn góp phần đưa Việt Nam trở thành “Nước mạnh” thì việc đầu tiên là phải nâng cao doanh số. Trong khi doanh số xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ sắp đạt mốc 100 tỷ USD, Philippines cũng đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD, thì hiện tại doanh số phần mềm Việt Nam cả nội địa và xuất khẩu cũng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Với góc nhìn này thì con đường đến đích “Nước mạnh” của Việt Nam còn rất xa.

Hiện chúng ta mới đạt mục tiêu lọt vào top các quốc gia có độ hấp dẫn về gia công phần mềm. Hà Nội, TP.HCM được đánh giá là địa điểm gia công phần mềm có độ hấp dẫn cao bởi nhiều lý do như chi chí gia công rẻ, nhiều khả năng chọn lựa đối tác hơn các thị trường khác. Tuy nhiên, không nên ngộ nhận khái niệm hấp dẫn với khái niệm đạt doanh thu cao. Có thể liên tưởng hình ảnh các bà nội trợ, chợ hấp dẫn nhất với họ có thể chỉ là chợ cóc gần nhà, nhưng đây không phải chợ lớn nhất. Tuy nhiên, khi đưa gia đình đi mua sắm vào thứ 7 hoặc chủ nhật thì họ vẫn chọn chợ lớn, siêu thị, và phần lớn tiền trong tháng sẽ được tiêu ở chợ lớn, siêu thị chứ không phải ở chợ cóc.

Thực hiện

Nội dung đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 148 ra ngày 10/12/2012