Hàn Quốc chính thức mở cửa lại thị trường lao động cho Việt Nam sau 4 năm tạm dừng tiếp nhận. Dự kiến trong năm nay, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận khoảng 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo từ Việt Nam.
Trong chương trình Cuộc sống thường ngày, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã giải đáp một số thắc mắc của người lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc. Dưới đây là một số câu hỏi của độc giả đã được ông Đặng Sĩ Dũng giải đáp:
Kỳ thi tiếng Hàn (EPS-TOPIK) cấm một số huyện của một số tỉnh. Thông tin này có chính xác không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm của Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Một trong những nội dung mà bản ghi nhớ đề cập là việc sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn ở một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng lao động cao và có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.
Hiện nay, Bộ LĐ&TB-XH đang giao các cơ quan chức năng rà soát lại số lao động bất hợp pháp, cũng như tỷ lệ lao động bất hợp pháp của từng địa phương và sẽ có thông báo sớm về việc này.
Tôi được biết lần thi tiếng Hàn tháng 10 tới đây chỉ có một đơn hàng duy nhất là lắp ráp chế tạo. Vậy nếu tôi thi đỗ tiếng Hàn đợt này, nhưng có nguyện vọng làm công việc khác thì tôi có được chuyển sang đơn hàng khác trong lần tuyển tiếp theo được không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Theo quy định của phía Hàn Quốc, khi người lao động đã đăng ký tham dự thi ngành nghề nào và đạt điểm để nộp hồ sơ gửi sang phía Hàn Quốc thì không được thay đổi lựa chọn ngành nghề đó trong thời gian 2 năm từ khi đạt điểm thi của kỳ thi.
Đơn hàng lắp ráp chế tạo lần này có cơ hội cho lao động nữ làm việc không ạ?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Kỳ thi tới đây với ngành nghề sản xuất chế tạo dành cho cả lao động nam và nữ. Tuy nhiên, theo thống kê đã được thực hiện nhiều năm qua của chương trình cho thấy, tỷ lệ lao động nữ được làm hồ sơ và được đưa sang Hàn Quốc làm việc không cao, trung bình từ 10 - 15%.
Tôi muốn biết đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc cần phải thế chấp bao nhiêu tiền? Có những khoản gì phải đóng từ lúc ở Việt Nam cho đến khi làm việc tại Hàn Quốc?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Lệ phí dự thi là 24 USD (thu bằng tiền Việt tương đương). Sau khi có kết quả trúng tuyển, lệ phí mua vé máy bay, làm visa, quản lý người lao động trước khi xuất cảnh là 630 USD. Ngoài ra, người lao động phải ký quỹ một khoản tiền ở Ngân hàng Chính sách xã hội là 100 triệu đồng. Khi xuất cảnh lao động sang Hàn Quốc, người lao động phải mang theo 500 USD (50 USD để mua bảo hiểm rủi ro, 450 USD chi phí hồi hương - nếu người lao động hết thúc hợp đồng đúng hạn thì khoản tiền này dùng mua vé máy bay về nước).
Nếu tôi được tuyển dụng sang Hàn Quốc thì sẽ phải đóng 100 triệu đồng đặt cọc theo quy định để chống bỏ trốn, nhưng nhà tôi nghèo thì tôi có được vay tiền để đóng khoản đặt cọc này không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Đối với những lao động thuộc hộ nghèo có thể vay 100 triệu đồng này ở Ngân hàng Chính sách xã hội và ký quỹ ngay tại ngân hàng.
Người lao động có nguyện vọng tham gia dự thi tiếng Hàn có thể đăng ký tại đơn vị nào?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Tại Sở LĐ&TB-XH địa phương, nơi người lao động cư trú.
Nhiều lao động phản ánh hiện có một số tổ chức, cá nhân quảng cáo đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động có thể tin vào các thông tin đó không?
Ông Đặng Sĩ Dũng: Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất được ủy quyền của Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chương trình này. Ở bên ngoài có thể có các lời quảng cáo trên mạng xã hội hay phát tờ rơi đảm bảo người lao động thi đạt kết quả cao, được đưa đi lao động…, nhưng điều này là hoàn toàn không thể. Việc ra đề thi, quản lý đề thi, chấm bài thi do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực phía Hàn Quốc (HRD) thực hiện, không ai có thể can thiệp vào.
Theo VTV