Xuất khẩu điện thoại, linh kiện là mặt hàng xuất khẩu chính thu ngoại tệ cho Việt Nam. (Ảnh: Baodautu) |
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Điện thoại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong tháng 1/2021 với trị giá đạt 5,8 tỷ USD, tăng 25,9% so với tháng trước đó và tăng tới 114,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh do Samsung cho ra mắt bộ ba sản phẩm Samsung Galaxy S21 mới và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Đây được xem là những chiếc điện thoại cao cấp Android mở màn cho làng công nghệ trong năm mới 2021.
Cùng đó, ngành hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ; máy quay phim và kinh liện tăng 80,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 115,3%...
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38% trong tháng đầu tiên của năm 2021. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tivi các loại tăng 106,2% và linh kiện điện thoại tăng 71,5% trong tháng đầu tiên của năm mới 2021.
Do nhu cầu sản xuất, kim ngạch nhập khẩu của các nhóm hàng này cũng tăng. Theo đó, nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của ngành hàng điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 128,3%.
Công nghiệp ICT là một trong những điểm sáng của năm 2020 đầy khó khăn, thách thức. Doanh thu ngành công nghiệp này đạt khoảng 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, giai đoạn 2016 – 2020, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng khoảng 26,1%/năm, và trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông. Nước ta vượt qua nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Ấn Độ, Singapore…. trở thành quốc gia đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại, linh kiện và đứng thứ 10 thế giới trong lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện.
Đây cũng là hai mặt hàng chiếm vị trí đầu trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VIệt Nam, đưa công nghiệp ICT trở thành ngành xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,18 tỷ USD, trong khi nhóm hàng máy tính và sản phẩm điện tử đạt 11,09 tỷ USD. Sản phẩm điện tử do Việt Nam sản xuất góp mặt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…
Triển vọng phát triển năm 2021 sáng khi xu hướng chuyển dịch đầu tư FDI từ các nước trong khu vực tới Việt Nam ngày càng rõ. Những nhà sản xuất cung ứng linh kiện, sản phẩm hàng đầu cho các "ông lớn" công nghệ toàn cầu như Foxconn, Luxshare…đang đẩy mạnh đầu tư, mở rộng ở nhiều địa phương.
Duy Vũ
Luxshare Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 6.5 tỷ USD năm 2021
Đây là nội dung chia sẻ của Công ty TNHH Luxshare ICT (Việt Nam) tại buổi làm việc với Bộ TT&TT sáng 27/1. Luxshare ICT hiện là một trong những doanh nghiệp gia công, lắp ráp các sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới.
“Thái tử” Samsung có chỉ đạo đầu tiên sau song sắt
Với việc người thừa kế Lee Jae-yong phải ngồi tù, có nhiều suy đoán cho rằng Samsung sẽ không duy trì Ủy ban Giám sát tuân thủ của tập đoàn như cũ. Tuy nhiên thông điệp chỉ đạo đầu tiên từ trong tù của ông Lee khẳng định ngược lại.