Đi ngược xu hướng
Sau nhiều vụ việc hàng Việt bị nước ngoài trả về vì chất cấm, không ít người thắc mắc: tại sao chất này Nhật không cho phép còn Việt Nam lại cho dùng? Tiêu chuẩn Việt Nam có thấp hơn tiêu chuẩn các nước khi xuất hiện hàng loạt mặt hàng “chỉ dành cho thị trường Việt, không được xuất khẩu”?
Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam thấp hơn thế giới do được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). 189 quốc gia đang áp dụng theo tiêu chuẩn này, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ,...
Theo đó, các phụ gia thực phẩm muốn có mặt trong danh mục của Codex phải thông qua Ủy ban phụ gia thực phẩm của tổ chức này, với 8 bước đánh giá nghiêm ngặt về độ an toàn, cách sử dụng. Thông thường, một phụ gia được đưa vào danh mục của Codex sau 5-7 năm nghiên cứu, có phụ gia mất 10 năm.
Theo chuyên gia, tiêu chuẩn Việt Nam đang có lợi cho người sản xuất, hại cho người tiêu dùng |
Dù vậy, rõ ràng trên thị trường Việt Nam có khá nhiều dòng sản phẩm trên bao bì nhãn mác ghi chú: “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu”. Các nhà sản xuất lý giải, các nước hạn chế dùng nhiều chất bảo quản, hoặc dùng có chỉ định. Còn ở Việt Nam lại cho phép sử dụng bình thường nên có sự phân biệt sản phẩm theo dòng thị trường như vậy.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, rất nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hà Lan, Ý,... sản xuất hàng nội địa có chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn hàng xuất khẩu. Kể cả Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính, song những năm gần đây cũng nâng cả loạt tiêu chuẩn với cả hàng hóa nhập khẩu và hàng nội địa.
Trong khi đó, chúng ta đi ngược lại với xu thế này: Hàng xuất khẩu chất lượng tốt hơn hàng tiêu thụ trong nước. Trên thị trường đang tồn tại hàng sản xuất ra chỉ dành cho thị trường Việt Nam. Ông Phú cho rằng như vậy là hạ thấp đẳng cấp tiêu dùng của người Việt, coi nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng.
Không chỉ thực phẩm mà các sản phẩm mỹ phẩm cũng sử dụng rất nhiều phụ gia. Hiện có tới 1.000 phụ gia được phép sử dụng trong mỹ phẩm.
Cũng theo ông Phú, so sánh với tiêu chuẩn các nước trên thế giới thì người ta cấm, mình dùng; người ta cho dùng 1 thì mình cho dùng 3-4. Ví như, chất bảo quản ở nước tương, Pháp chỉ cho dùng 1-2 chất thì Việt Nam có từ 8-10 chất. Chất bảo quản ở tương ớt Mỹ có 1-2 chất, Thái Lan có 6-8 chất nhưng Việt nam có tới 10-16 chất.
“Chúng ta đang quá lạm dụng việc sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia. Việc này có lợi cho người sản xuất nhưng có hại cho người tiêu dùng”, ông Phú nhận xét.
Nâng chuẩn lên vì người tiêu dùng
Theo ông Vũ Vinh Phú, tiêu chuẩn Việt Nam cần được nâng cao hơn, tiến tới cân bằng so với tiêu chuẩn của thế giới với cả hàng tiêu thụ trong nước chứ không chỉ với mỗi hàng xuất khẩu.
Để làm được, ông Phú cho rằng cần xây dựng chiến lược an toàn thực phẩm ở Việt Nam với mục đích cụ thể: năm nào đạt ngang tầm ASEAN, năm nào ngang tầm châu Á và thế giới. Quá trình làm không được đốt cháy giai đoạn, bởi để đạt được ngay như Nhật Bản cũng không ổn.
"Trước mắt, phải rà soát lại các chất phụ gia, chất bảo quản trong các tiêu chuẩn. Nếu thấy chất nào độc hại phải loại bỏ ngay. Phải hi sinh, làm quyết liệt, làm mạnh như vụ dịch tả lợn châu Phi. Lợn bệnh lập tức tiêu hủy", ông Phú đề xuất.
Cần nâng cao tiêu chuẩn hàng trong nước chứ không riêng hàng xuất khẩu (ảnh minh họa) |
Ông Phú cũng lưu ý, cần có sự quản lý đồng bộ. Tiêu chuẩn rõ ràng, quản lý tiêu chuẩn phải quyết liệt.
Hiện có nghịch lý, Việt Nam có hàng triệu cơ sở sản xuất thực phẩm, mỗi ngày cung cấp ra thị trường một lượng hàng hóa khổng lồ. Các đơn vị này đều tự công bố tiêu chuẩn hàng hóa của mình, ai cũng đều công bố tốt. Thế nhưng, chúng ta lại áp dụng hậu kiểm.
“Thực phẩm mà hậu kiểm thì không ổn, bởi nếu phát hiện vi phạm an toàn thì thực phẩm đó đã vào bụng hàng chục triệu người dân rồi”. Ông Phú nói và cho biết, tại Thái Lan chợ đầu mối của họ rất rộng, mọi người chở rau củ quả vào bán thoải mái. Tuy nhiên, ngay đầu chợ họ có phòng kiểm nghiệm rộng 100 mét vuông, với hơn chục kỹ sư làm việc. Hàng ngày họ liên tục đi lấy mẫu hàng hóa về xét nghiệm, nếu phát hiện sai phạm lập tức tiêu hủy.
Hay như Singapore, tiêu chuẩn rất chặt chẽ, sức khỏe con người luôn là tháp cao nhất. Các cửa hàng ăn uống thực phẩm được kiểm tra thường xuyên. Ở Sing, cửa hàng nào dán giấy đỏ thì đắt khách, giấy vàng khách chỉ còn một nửa, giấy đen xác định như đóng cửa. Bởi, đó chính là giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch - cũng cho rằng, tiêu chuẩn Việt Nam cần phải thay đổi, nâng cao dần để bắt kịp các nước trên thế giới, song cần làm theo lộ trình.
Ví như ở các nước châu Âu, khi thay đổi tiêu chuẩn hàng nhập khẩu, họ thường thông báo và cho phép nhà xuất khẩu một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh. Sau thời gian đó, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của họ thì mới được xuất khẩu vào, còn không thì ngược lại.
Bà Minh dẫn chứng ngành thủy sản đã làm khá tốt. Trước đây, các nhà máy chế biến thủy sản luôn trong tình trạng hôi hám, bẩn thỉu; công nhân thích mặc quần áo, đi dép gì vào xưởng sản xuất cũng được. Nhưng khi xuất khẩu vào châu Âu, ngành thủy sản đã thay đổi để được thị trường này chấp nhận. “Hàng xuất khẩu chúng ta làm được thì những mặt hàng tiêu dùng trong nước cũng cần như vậy”, bà chia sẻ.
Thực tế, những năm gần đây, tiêu chuẩn Việt Nam cũng ngày càng chặt chẽ, được nâng cao. Ví như, tiêu chuẩn giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu” (MRPL) về các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong thực phẩm của Việt Nam còn cao hơn tiêu chuẩn ở EU. Theo đó, rất nhiều hàng thủy hải sản Việt Nam đạt chuẩn xuất khẩu sang EU, song lại không đưa hàng vào được các siêu thị tại Việt Nam.
Hay mới đây, Bộ NN-PTNT đã chính thức loại thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate (chất có khả năng gây ung thư) ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình nâng cao tiêu chuẩn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý, nhà sản xuất và cả sự thông thái của người tiêu dùng. Như đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, tiêu chuẩn của Việt Nam đã có thay đổi song mới ở mức "đi xe đạp, còn các nước đã đi xe máy, ô tô hết rồi". Mà như vậy thì chúng ta khó có thể thể bắt kịp.
Tâm An