Được phát triển bởi Momo Inc (Trung Quốc), ứng dụng "sống ảo" sử dụng công nghệ A.I này cho phép người dùng có thể dễ dàng thế chỗ các diễn viên nổi tiếng, trở thành nhân vật chính trong chương trình truyền hình hay các bộ phim Hollywood như Game of Throne, Titanic.
Cách thức ứng dụng ghép mặt vào video này hoạt động cũng khá tương đồng với FaceApp trước đây, khi bạn chỉ việc chụp hoặc tải lên ứng dụng các hình ảnh khuôn mặt mình. Những hình ảnh này sẽ được ứng dụng sử dụng làm dữ liệu để A.I "nhận dạng". Sau khi lựa chọn một đoạn clip ngắn mình ưng ý, ZAO sẽ sử dụng công nghệ "deepfake" để ghép mặt của bạn vào các diễn viên, ca sĩ, hay thậm chí là các nhân vật game nổi tiếng. Kết quả, khuôn mặt của các diễn viên gốc sẽ tự động được thay bằng khuôn mặt của chính bạn, với độ chân thực được đánh giá là "thật một cách bất ngờ", khi nó quá khớp và mượt mà tới từng khẩu hình hay biểu cảm của nhân vật gốc.
Trên thực tế, công nghệ Deepfake được ứng dụng ghép mặt vào video Zao sử dụng không hoàn toàn mới, khi công nghệ này từng gây ra rất nhiều tranh cãi ngay từ năm 2017. Một số dân mạng khi đó đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để ghép mặt các diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson hay Gal Gadot vào cơ thể của những diễn viên khiêu dâm.
Tuy nhiên, với riêng trường hợp ứng dụng ZAO, có thể thấy rõ công nghệ "deepfake" đã trở nên tinh vi hơn và đặc biệt, dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Bằng chứng là ngay sau khi ra mắt vào ngày 30/8 vừa qua, ZAO lập tức đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng được tải nhiều nhất trên các chợ ứng dụng của Trung Quốc. Trên trang Weibo chính thức của mình, nhóm phát triển ứng dụng ZAO cho biết các máy chủ gần như đã bị sập vì có quá nhiều người tải về cùng lúc. Tất cả mạng xã hội tại quốc gia tỷ dân cũng ngập tràn các video ghép mặt được đăng tải bởi người dùng khi sử dụng ZAO.
Được biết, ứng dụng này hiện tại chỉ giới hạn ở riêng thị trường Đại lục, khi nó chưa xuất hiện trên Google Play Store, hay US App Store. Nếu muốn tải về, người dùng bắt buộc phải có một số điện thoại Trung Quốc để xác minh.
Tuy nhiên, giống như trường hợp của FaceApp trước đây nhiều người dùng đã bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư của ứng dụng này , vốn có một điều khoản cho phép ZAO có quyền "truy cập miễn phí, vĩnh viễn và không thể hủy ngang", hay thậm chí "có thể chuyển nhượng" tất cả các nội dung, hình ảnh do người dùng tạo ra.
Theo GenK