Đây là lần đầu tiên người ta phát hiện ra sự tồn tại của gấu trúc bạch tạng, và không ngoài dự đoán của đa số người, các nhà khoa học nhìn thấy nó đang rảo bước trong một rừng tre tại Trung Quốc. Giống như đa số các khám phá tự nhiên khác, nhóm nghiên cứu không tận mắt nhìn thấy con gấu trúc trắng, mà đã sử dụng camera hồng ngoại được đặt sẵn trong rừng.
May mắn lắm ta mới có được bằng chứng này, thứ chứng minh được sự tồn tại của loài gấu trúc trắng hiếm có vô cùng. Theo các chuyên gia ước tính, con gấu trúc trắng vẫn còn non, mới chỉ khoảng 1-2 tuổi.
Các quan chức công tác tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Ngọa Long, thuộc tỉnh Tứ Xuyên công bố tấm ảnh hiếm có vào cuối tuần vừa rồi. Camera chụp được ảnh hồi giữa tháng Tư, các nhà nghiên cứu dành một tháng để khẳng định đây là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của gấu trúc trắng.
Chứng bạch tạng xuất hiện khi cơ thể sinh vật gặp vấn đề trong quá trình tạo ra sắc tố melanin. Động vật mắc chứng rối loạn bẩm sinh này sẽ nhạy cảm với ánh sáng, thị lực có vấn đề nhưng theo camera quan sát, con gấu trúc không gặp khó khăn trong môi trường sống tự nhiên của mình. Chỉ mong lớp áo trắng sẽ không ngăn con gấu trúc bạch tạng tìm được bạn tình.
“Con gấu trúc có vẻ ngoài khỏe mạnh với những bước đi vững chãi, dấu hiệu cho thấy biến đổi bên trong cơ thể đã không ảnh hưởng nhiều tới đời sống của nó”, nhà động vật học và cũng là nhà nghiên cứu động vật có vú lớn, cô Li Sheng từ Đại học Peking nói với giới truyền thông Trung Quốc.
Khu vực bảo tồn, nơi phát hiện ra con gấu trúc trắng, nằm ở độ cao 2.000 mét so với mực nước biển. Sau bằng chứng đầu tiên, ban quản lý sẽ đặt thêm camera trong nỗ lực theo dấu con gấu đặc biệt; nó là một cá thể gấu đặc biệt quan trọng với khoa học, vì trong lịch sử nghiên cứu, chưa bao giờ xuất hiện một con gấu bạch tạng trắng toát như gấu Bắc Cực.
Thông tin bên lề: không phải mọi con gấu trúc đều có hai màu đen và trắng, loài gấu trúc Quinling (tên khoa học là Ailuropoda melanoleuca qinlingensis) có màu nâu và trắng, một nhánh hiếm của gấu trúc khổng lồ.
Chưa xác định được giới tính con gấu trúc bạch tạng, tất cả những gì ta biết mới chỉ là vẻ ngoài của nó cho thấy … đây đúng là một con gấu trúc bạch tạng, với những đặc điểm nhận dạng đặc trưng như màu lông trắng toát và mắt đỏ. Nhìn từ xa, có thể nhầm con gấu trúc trắng với “bé sói” Ghost của Jon Snow.
Bệnh tật không phải mối lo duy nhất của con gấu trúc bạch tạng. Theo khảo sát, chỉ còn 1.900 con gấu trúc ngoài tự nhiên, trong số đó chỉ 500-1.000 con đạt độ tuổi trưởng thành. Những số liệu đáng lo ngại này chỉ rõ: gấu trúc là loài trong diện bị nguy hiểm, việc con người làm tổn thương tự nhiên lại càng khiến vấn đề thêm nhức nhối.
Trong nhiều năm vừa qua, số lượng cá thể gấu trúc đã có những cải thiện, nhưng chưa đủ nhiều để khiến gấu trúc thoát diện nguy hiểm. Những con gấu trúc xinh đẹp đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, và giờ họ hàng nhà gấu lại có thêm lý do để mà lo lắng; bằng chứng đầu tiên về con gấu trúc trắng hiếm có đã ghi thêm thành viên vào gia đình được bảo tồn.
“Tôi thấy phát hiện này ngẫu nhiên đến kỳ lạ, vì bản thân việc bạch tạng cũng đã ít thấy rồi”, nhà nghiên cứu Li nói với The New York Times, “phát hiện này đến đúng lúc thật đó”.
Theo GenK