Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ với phía Đông giáp xã Xuân Đài, phía Tây giáp huyện Phù Yên (Sơn La), huyện Đà Bắc (Hòa Bình), phía Bắc giáp xã Đồng Sơn, phía Nam giáp xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn.
Xã có tổng diện tích tự nhiên 6.572,05 ha với gần 300 hộ dân, gồm hai dân tộc cùng sinh sống chủ yếu là dân tộc Dao và dân tộc Mường. Trong đó dân tộc Dao chiếm 49,9%, dân tộc Mường chiếm 48,8%, các dân tộc khác chiếm 1,3%.
Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã trở thành phong trào sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Điều đó đã mang lại sự khởi sắc cho địa phương nghèo, diện mạo từng bước thay đổi, khang trang, hiện đại hơn.
Hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp. Trước kia đường xá đi lại của xã rất vất vả, đầy sỏi đá, ghồ ghề. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và giao thông, đường bê tông rộng mở đã về tới bản, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, thông thương, tiếp cận với văn minh hiện đại của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con đều đồng lòng nhất trí đóng góp tiền, công sức, hiến đất để làm đường, thay đổi diện mạo của bản làng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, lấy người dân làm trung tâm. Vì vậy, xã đặt mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giữ vững ổn định an ninh lương thực.
Nhờ thông tin, tuyên truyền, người dân nâng cao nhận thức, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng với nhu cầu thị trường. Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đạt được những kết quả nhất định.
Đặc biệt, xã phát triển giống gà chín cựa bản địa. Giống gà này đã được nuôi ở đây từ rất lâu nhưng do cuộc sống quá biệt lập nên người dân không hề biết đó là gà quý. Đến khoảng năm 2000, khi con đường được mở vào xã, thông tin phủ sóng thì mọi người mới mở rộng chăn nuôi. Hiện, đây là sản vật địa phương nổi tiếng được du khách ưa chuộng.
Bên cạnh đó, xã khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi khép kín, mở rộng ngành nghề dịch vụ kinh doanh. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng góp vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao thường xuyên diễn ra đã mang đến cuộc sống nhiều mầu sắc, hạnh phúc cho người dân địa phương.
Xã đã hoàn thành chỉ tiêu 100% số thôn, bản trên địa bàn có hệ thống điện đạt chuẩn, 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hệ thống trường học được đầu tư đồng bộ, khang trang và đảm bảo chất lượng dạy học theo quy định. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.
Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, Xuân Sơn đã đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Điển hình như bản Cỏi, bản Dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với những hồ nước tự nhiên, cảnh quan hùng vĩ, không khí trong lành. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Mường, Dao với nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Nhiều gia đình đã tận dụng lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là hình thức kinh doanh dịch vụ homestay. Những ngôi nhà sàn được tôn tạo lại, thiết kế khoa học, hợp lý, kết hợp dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, trải nghiệm văn hóa...
Những con đường vào bản khang trang, có hệ thống đèn điện gắn pin năng lượng mặt trời. Các hộ gia đình lắp đặt wifi phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu thông tin và giải trí của gia đình cũng như phục vụ du khách chiếm tỷ lệ cao.
Ông Đặng Văn Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn cho biết: “Ngoài kênh thông tin loa truyền thanh, chúng tôi cũng khuyến khích các thôn, bản lập nhóm Zalo để chủ động cung cấp thông tin các chính sách, chủ trương của Nhà nước, địa phương đến người dân.
Đồng thời, động viên mỗi gia đình cũng có ý thức làm đẹp chính ngôi nhà của mình bằng việc trồng hoa, bố trí khu vực ở hợp lý, góp phần làm đẹp cảnh quan chung, xây dựng bản làng trở thành điểm du lịch cộng đồng đẹp ở mọi góc nhìn, thực sự hấp dẫn đối với du khách”.
Thời gian qua, xã Xuân Sơn đã đầu tư hàng loạt các hạng mục công trình như: Cải tạo lại đường giao thông, điểm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng, xây dựng cổng chào làng du lịch cộng đồng, nhà văn hóa cộng đồng người Dao, người Mường gắn với trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng. Vấn đề rác thải sinh hoạt từng bước được giải quyết, mỗi nhà có một thùng rác và rác được thu gom xử lý theo quy định.
Chị Quỳnh Nga, dân tộc Mường là người tiên phong mở homestay, phát triển du lịch ở bản Dù.
Người dân Xuân Sơn làm du lịch bằng sự sáng tạo, từ việc xếp đá làm đường, làm homestay, nhà ăn cho đến trang trí bản, thiết kế các hoạt động du lịch... Mọi kiến trúc được bảo tồn, phát huy tối đa văn hóa bản địa.
Xây dựng nông thôn mới đã và đang mang đến sự thay đổi tích cực cho xã Xuân Sơn. Giai đoạn tới, cấp ủy, chính quyền xã chủ trương khuyến khích nhân dân tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.