Kính tiết kiệm năng lượng được sử dụng khá phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu được chú ý ở Việt Nam, nhằm kiến tạo nên tiêu chuẩn cần thiết cho công trình xanh, thân thiện môi trường.
Kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm có công năng cao, được sản xuất bằng cách phủ các lớp vật liệu vô cơ với kích thước nano lên bề mặt phôi kính trắng nhằm kiểm soát năng lượng mặt trời truyền qua kính. Các lớp phủ có khả năng ngăn chặn một cách chọn lọc các tia bức xạ nhiệt từ mặt trời và tạo nên màu sắc kính.
Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. |
Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. Ngoài ra, với hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo khí hậu từng vùng.
Trên thế giới, việc áp dụng công nghệ để sản xuất vật liệu tiết kiệm năng lượng đã được phổ biến từ lâu. Đặc biệt, tại nhiều quốc gia phát triển, bề mặt kính trong các công trình xây dựng không chỉ thụ động tiết kiệm năng lượng. Tức là chỉ ngăn nhiệt từ ngoài vào trong mà giảm thiểu truyền tải nhiệt ra ngoài, mà còn có khả năng chủ động thu năng lượng chuyển hóa thành dạng năng lượng phục vụ sinh hoạt của tòa nhà.
Theo nghiên cứu, nếu quản lý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ tiết kiệm được từ 20% đến 30% năng lượng tiêu thụ trong khu vực. Bên cạnh đó, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng trong xây dựng sẽ tạo ra nhiều không gian sáng tạo hơn cho các kiến trúc sư.
PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, vai trò của vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng trong phát triển công trình xanh là vấn đề rất quan trọng. Đồng thời, xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh trên thế giới hiện nay rất tiệm cận với quan điểm phát triển xanh, bền vững của Liên hợp quốc. Đó là sử dụng ít nhất nguồn tài nguyên có thể, nhưng lại đạt được hiệu quả tối đa.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng sẽ là một xu hướng xây dựng mới cho các công trình. Do vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương phát triển vật liệu xanh, công trình xanh thông qua một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng; đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm vật liệu xây dựng; tăng thuế môi trường đối với những vật liệu gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất…
Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất kính phủ lần đầu tiên được phát triển tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng Viglacera. Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây cũng chính là nhà máy kính TKNL đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á. Nhà máy được phát triển trên nền tảng công nghệ phủ mềm hàng đầu với công suất 2.300.000m2/năm.
Minh Đức