Dùng mạng xã hội, ứng dụng chat OTT để tương tác với người dân
Theo Cnet, Đảo quốc Sư tử đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng mạng Workplace của Facebook trong lĩnh vực dịch vụ công. Cụ thể, hơn 15 cơ quan và hơn 5.300 công chức tại Singapore đã được kết nối trên mạng xã hội Workplace. Singapore đặt mục tiêu tháng 3 năm sau sẽ có hơn 143.000 công chức kết nối với nhau trên Workplace.
“Chúng tôi sử dụng WorkPlace từ tháng 10. Trong giai đoạn 1, 15 cơ quan với hơn 5.300 cán bộ công chức sẽ làm việc bằng hệ thống này”, ông Peter Ong, Giám đốc Cục Dịch vụ công Singapore, cho biết tại Hội nghị Excel PS21 mới diễn ra tại Singapore.
Cũng theo ông Peter Ong, việc sử dụng Workplace giúp giảm lượng email nội bộ, thay vào đó các lãnh đạo cấp cao sẽ đăng các thông báo quan trọng trên Workplace, tăng khả năng tương tác giữa lãnh đạo và nhân viên. Giám đốc Cục Dịch vụ công Singapore tiết lộ, kết quả ban đầu cho thấy, lượng email nội bộ giảm hẳn, thay vào đó, các nhân viên theo dõi thông báo trên mạng làm việc mới.
Ở Hàn Quốc, chính quyền thành phố, bảo tàng, bưu điện... đều sử dụng ứng dụng chat Kakao Talk để kết nối với người dân, ví dụ mỗi khi người dân nhận một bưu phẩm, KakaoTalk ID của Bưu điện sẽ tự động thêm và gửi thông tin về hàng hóa, thời gian giao hàng…
Còn tại Việt Nam, một số cơ quan nhà nước đã bắt đầu sử dụng Facebook, Zalo để tiếp xúc trực tiếp, gần gũi hơn với người dân. Cuối năm 2013, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã thành lập tài khoản chính thức trên ứng dụng Zalo với mục đích thêm kênh truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đáp ứng nhu cầu thông tin của tầng lớp nhân dân mọi lúc mọi nơi.
Đến tháng 10/2015, trang thông tin điện tử Chính phủ đã lập tài khoản trên Facebook với tên gọi “Thông tin Chính phủ” nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên Internet. Ngoài ra, cũng trên Facebook, Chính phủ còn lập thử nghiệm trang "Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia". Nội dung đưa lên hai tài khoản Facebook này là thông cáo báo chí, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và một số hoạt động của Chính phủ. Bằng cách này Chính phủ kỳ vọng thông tin quan trọng sẽ được người dân tiếp cận dễ dàng.
Tháng 12/2015, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành của cơ quan này đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên trang mạng xã hội Facebook có tên “Thủ đô Hà Nội - Việt Nam”.
Tài khoản chính thức của Bộ Y Tế trên ứng dụng Zalo cũng trở thành kênh thông tin hữu ích cho nhiều người dân trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. đến người dân. Vào cuối năm 2015, tài khoản này là nơi giúp Bộ Y Tế giải quyết khủng hoảng vắc xin bằng cách cho phép người dân tra cứu các điểm tiêm chủng gần nhà. Gần đây, Bộ Y tế còn tạo thêm sổ tiêm chủng trên Zalo giúp nhắc mũi tiêm cho các bé…
Theo xu thế, EVN Hồ Chí Minh sử dụng Zalo để người dân có thể tra cứu tiền cước hàng tháng, nhắc lịch ghi điện, lịch cúp điện thường xuyên/đột xuất, thanh toán tiền điện, cẩm nang sử dụng điện an toàn, cảnh báo trong mùa mưa lũ, hạn hán.
Thành phố Đà Nẵng cũng chính thức triển khai “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” trên ứng dụng Zalo để cung cấp và hỗ trợ tra cứu thông tin dịch vụ hành chính. Đây là một trong những nội dung hỗ trợ xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử của thành phố. Không dừng lại ở mức sử dụng Internet để đăng tải thông tin như trước đây, dự án là bước tiến mới, mang tính tiên phong của Đà Nẵng trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân.
Dùng Facebook hay Zalo để tương tác sẽ trở thành mặc định
Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, việc các tổ chức sử dụng ứng dụng nhắn tin hay mạng xã hội cho công việc và giao tiếp với bên ngoài là xu thế hiện nay. Ở Việt Nam, vài năm tới, cùng với sự phổ biến của những dịch vụ công trực tuyến đang được các cơ quan nhà nước tăng cường triển khai thì việc dùng kênh này để giao tiếp với người dân, cũng như trong nội bộ sẽ trở thành mặc định. Các sáng kiến hiện nay khi dùng Facebook hay Zalo để làm kênh tương tác với người dân, sẽ là động lực một cách có hệ thống, có tổ chức hơn cho nhiều cơ quan. Tất nhiên, vấn đề đáng quan tâm là tính riêng tư và bảo mật thông tin trên các phương tiện, việc mà hiện nay phần lớn người dùng chưa để ý lắm. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý và ý thức của người dùng đã có nhưng chưa hoàn thiện, cần cải thiện và chú ý nhiều hơn trong thời gian tới.
Trả lời trên báo chí, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Đông Dương cho rằng, trước đây và ngay cả bây giờ, các dịch vụ công chủ yếu được cung cấp qua nền tảng PC truyền thống. Tuy nhiên, người dân tiếp cận với các dịch vụ công qua thiết bị di động như smartphone, tablet ngày càng nhiều. Với đà bùng nổ của các thiết bị di động như hiện nay, Chính phủ cần lưu tâm đến việc di động hóa các dịch vụ công để thuận tiện hơn cho người dân. Khi đã đưa lên thiết bị di động thì các dịch vụ công này phải tối ưu hóa cho di động, sao cho người dân thao tác, thực hiện các dịch vụ công được cung cấp một cách dễ dàng, nhanh chóng nhất, chứ không chỉ trả tiền điện, nước đơn giản như hiện tại.
Tuy vậy, Chính phủ phải quan tâm đến vấn đề bảo mật di động để đảm bảo an toàn cho các dịch vụ công tiến hành qua nền tảng này, nhất là với những dịch vụ nhạy cảm như giao dịch tài chính, thương mại...