Đồng thời với việc tăng cường kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải vào phố khung giờ cấm, lãnh đạo Cục CSGT và Phòng CSGT CA TP Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng CSGT kiểm tra và xử nghiêm xe gắn biển Bộ Công an, báo chí không hợp lệ…
Tăng cường xử lý xe tải vào phố giờ cấm
Tại cuộc họp sơ kết kết quả công tác đảm bảo trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm 2016 sáng 14/7, đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Bộ Công an, đề nghị lực lượng CSGT Hà Nội tăng cường rà soát, tuần tra xử lý xe quá tải vào phố khung giờ cấm như báo chí đã phản ánh thời gian qua. Theo ông Đức, đây là chuyên đề nhức nhối và còn nhiều tồn tại khiến việc xử lý gặp khó khăn. Để xử lý tận gốc vi phạm này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên ngành.
“Cứ xe quá tải đi vào phố khung giờ cấm là đổ lỗi do CSGT là không đúng. Trong khi ngành giao thông quản lý bến bãi, quản lý nơi xuất phát không phối hợp xử lý thì xe quá tải vẫn lưu thông ra đường” - đại tá Đức nói.
CSGT sẽ tăng cường xử lý ô tô gắn phù hiệu Bộ Công an hoặc báo chí không hợp lệ. |
Vị phó cục trưởng cũng cho biết, mới đây, tại cuộc họp sơ kết Bộ GTVT, lực lượng TTGT báo cáo vi phạm tải trọng giảm 80%, do đó quan điểm Cục CSGT tách riêng nhiệm vụ này rõ ràng để có kết quả và đánh giá sát thực hơn. Ai sai, người đó chịu trách nhiệm.
Tiếp nhận ý kiến của Cục CSGT, đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh, các đơn vị cảnh sát tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quá khổ, quá tải dọc các tuyến cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố như: Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, đê Nguyễn Khoái, nơi các đoàn xe quá khổ quá tải hoạt động mạnh. Các đội CSGT phụ trách tuyến này cần phối hợp chặt chẽ giữa các đội với nhau, giữa các đội với lực lượng công an các quận, huyện lân cận để ngăn chặn các vi phạm quá tải từ xa trước khi vào phố cấm. Tất cả các xe chở vật liệu xây dựng, chở cát dưới bờ sông đi lên đường đê đều là xe quá tải, quá khổ. Do đó, CSGT Hà Nội cần phối hợp với Sở GTVT tăng cường các trạm cân lưu động để xử lý đạt hiệu quả cao.
“Dù trách nhiệm không riêng, nhưng CSGT là đơn vị chịu trách nhiệm lớn nhất về mặt pháp luật nên tôi đề nghị các CSGT Hà Nội tập trung xử lý, đặc biệt các khu vực có các điểm khai thác cát trái phép ven đê hướng vào trung tâm thành phố”, đại tá Hải nói.
Xử lý ô tô gắn phù hiệu Bộ Công an, báo chí không hợp lệ
Cũng trong cuộc họp, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội- thượng tá Phạm Văn Hậu cho biết, thời gian qua đơn vị đã xử lý 5 trường hợp người nước ngoài, 34 ô tô biển xanh, 26 ô tô biển đỏ vi phạm luật giao thông. Tình trạng ô tô gắn biển số tư nhân sử dụng phù hiệu của Bộ Công an, cơ quan báo chí và các cơ quan Nhà nước khác lưu thông trên đường xuất hiện nhiều gây phản cảm trong nhân dân. Thậm chí, nhiều lái xe còn gây khó khăn khi bị CSGT dừng xe xử lý vi phạm.
Những phù hiệu này là tờ giấy bìa cứng khổ A4 in chữ “Bộ Công an” kèm theo biển số xe có in chéo màu đỏ, cấp cho cán bộ đang công tác trong Bộ Công an ra vào khu vực để xe cho thuận tiện, không có tác dụng thay thế cho nhân thân người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Với xe để phù hiệu báo chí, loại phù hiệu sử dụng trên xe này thường in bằng song ngữ Anh - Việt chỉ có giá trị sử dụng nhất định, ví dụ như phục vụ cho kỳ họp quốc hội, các cuộc quan trọng khác và theo quy định, hết thời gian sử dụng phải thu hồi và tiêu hủy phù hiệu này, nó không còn hoặc không có giá trị ưu tiên khi tham gia giao thông.
“Phòng CSGT - Công an Hà Nội đã đề xuất và xin ý kiến Giám đốc Công an TP, Bộ Công an xử lý nghiêm và thu hồi những giấy tờ, phù hiệu cấp dán trên xe để xác minh làm rõ. Đồng thời, đề nghị lực lượng tuần tra tăng cường phát hiện, xử lý những xe ôtô đeo phù hiệu Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước không hợp lệ đang lưu hành” - thượng tá Phạm Văn Hậu nói.
Đại tá Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng CSGT cho biết thêm, Bộ Công an không chủ trương cấp những phù hiệu trên để mang tính chất tạo đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân, tập thể nào. Nếu phát hiện, đề nghị lực lượng tuần tra xử lý nghiêm tội giả mạo giấy tờ cơ quan Nhà nước theo đúng luật định.