Với tỷ lệ 86%  tán thành, luật Đo lường đã được Quốc hội bấm nút thông qua chiều ngày 11/11 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2012.
 
Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo lường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã biểu quyết tán thành thông qua dự án luật đặc biệt quan trọng này. Nội dung dự án Luật được thông qua có rất nhiều điều khoản đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý qua việc ghi nhận ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong các phiên thảo luận tại tổ và hội trường.
 
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các Luật (Ảnh: Chinhphu.vn)
Luật Đo lường quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường, các nguyên tắc hoạt động đo lường, chính sách của Nhà nước về đo lường, hợp tác quốc tế về đo lường, những hành vi bị cấm...
 
Luật cũng quy định các chuẩn đo lường, phương tiện đo; quyền nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường ; trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường.
 
Trước nhiều ý kiến đề nghị cần nâng cao mức xử phạt, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng; chế tài xử phạt phải nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đo lường cũng như các lĩnh vực khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hình sự.
 
Hoạt động kiểm định công tơ (Ảnh: Phương Nga)
Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tăng cường mức độ răn đe, xử lý đối với các hành vi vi phạm, gian lận đo lường trong mua bán xăng, dầu, điện, nước, viễn thông... đang diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, Luật Đo lường giữ nguyên quy định trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm thì áp dụng mức phạt từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó.
 
Một điểm tiếp thu đáng chú ý khác của ban soạn thảo là đã chỉnh sửa bổ sung các quy định về đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường. Ngoài ra, để thực hiện xã hội hóa một số hoạt động đo lường, trong dự thảo Luật còn có nhiều Điều, khoản khác quy định cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo lường.
 
Cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua các dự án luật khác: Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
 
Được biết, cả 4 Luật trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012.

Diệu Huyền